(Tổ Quốc) - Các doanh nghiệp vận tải biển thuộc hệ sinh thái Vinalines (nay là VIMC) có màn trở lại mạnh mẽ kể từ đầu năm 2021 từ kết quả hoạt động kinh doanh cho đến giá cổ phiếu.
Một trong những sự trở lại ấn tượng của năm nay cho đến lúc này thuộc về CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO), công ty con của Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines, nay là VIMC).
Trong quý 3/2021, VOSCO đạt doanh thu thuần 385 tỷ đồng, tăng 31%. Lợi nhuận gộp ghi nhận 175 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái âm 8 tỷ đồng. Kết quả, công ty đạt mức lợi nhuận sau thuế 186 tỷ đồng, trong khi quý 3 năm 2020 lỗ 21 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, VOSCO đạt doanh thu 964 tỷ đồng, tương đương năm ngoái. Nhưng lợi nhuận ròng thu về 409 tỷ đồng so với khoản lỗ 139 tỷ đồng.
Kể từ đầu năm, đội tàu của VOSCO hoạt động ổn định. Công ty cho biết đã nỗ lực tận dụng các cơ hội của thị trường để tăng doanh thu cải thiện kết quả kinh doanh.
Khi mà thị trường vận tải tăng trưởng từ cuối quý 1, VOSCO đã ký được hợp đồng với mức cước tương đối cao cho một số tàu khô. Bên cạnh đó công ty áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát chi phí, cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Trong quý 3/2021, VOSCO đã tàu trần tàu dầu sản phẩm Đại An trong thời hạn 3 năm và chuẩn bị nhận bàn giao tàu dầu sản phẩm Đại Phú (cũng được thuê theo hình thức tàu trần) để tăng năng lực vận chuyển của đội tàu.
Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy việc VOSCO đang hưởng lợi nhờ sự tăng trưởng của ngành vận tải biển, đến từ nhu cầu và giá cước tăng cao. VOSCO sở hữu nhiều nhất là tàu khô (8 chiếc), ngoài ra có cả tàu chở dầu (2 chiếc) và container (2 chiếc).
VOSCO chính là đại diện tiêu biểu nhất cho những công ty thành viên của Vinalines (nay là VIMC) có quá khứ bết bát, đến nay gặp thời nhờ sự phục hồi của ngành sau đại dịch.
Tương tự, CTCP Vận tải Biển Vinaship vận tài hàng hoá ven biển sở hữu đội tàu 8 chiếc cũng công bố lợi nhuận 69 tỷ đồng sau 9 tháng. Hai năm trước đó, 2019 – 2020, công ty này chỉ lãi khoảng 30 tỷ đồng.
Đông Đô Marine sở hữu 6 tàu container báo lãi 6 tỷ đồng sau nhiều năm lỗ nặng.
Những cái tên như VOSCO, Vinaship hay Đông Đô đã tận dụng tốt cơ hội để có lợi nhuận tốt. Tuy nhiên vẫn còn hai cái tên vẫn chưa thể thoát khởi "bóng ma" thua lỗ dai dẳng suốt hàng chục năm.
CTCP Vận tải biển và thương mại Phương Đông (tên cũ: NOSCO - mã NOS) báo lỗ 111 tỷ đồng sau 9 tháng. Đây là công ty bết bát nhất nhất trên sàn với vốn chủ âm gần 4.300 tỷ do khoản lỗ lũy kế lên đến 4.500 tỷ.
Hay như CTCP Vận tải và Thuê tàu biển (Vitranschart) chuyên khai thác và cho thuê tàu với đội tàu 7 chiếc vẫn lỗ 100 tỷ đồng. Những cũng cần lưu ý rằng mức lỗ của hai công ty nói trên đã giảm đáng kể so với những năm trước.
Điểm lại một chút trong quá khứ, số lỗ luỹ của các công ty thuộc VIMC kể từ năm 2012 thực sự gây choáng ngợp.
Tính đến hết tháng 9/2021, NOSCO, Vitranschart và Đông Đô là ba đơn vị đã lỗ âm vốn chủ, lần lượt (-4.420 tỷ đồng), (-1.814 tỷ đồng), (-808 tỷ đồng).
VOSCO và Vinaship dù cho vốn chủ vẫn dương, nhưng lỗ luỹ kế nặng lần lượt (-502 tỷ đồng) và (-149 tỷ đồng).
Trên thị trường chứng khoán, trường hợp của VOSCO được giới đầu tư ví như "con tàu ma" trở về từ quá khứ hết sức tồi tệ. Tính từ cuối tháng 7 cho đến nay, cổ phiếu VOS đã tăng giá hơn gấp 3 lần từ vùng xấp xỉ 7.000 đồng mỗi cổ phiếu. Điều tương tự xảy đến với mã VNA của Vinaship, tăng giá hơn 2 lần từ vùng giá 17.000 – 18.000 đồng.
Còn nếu tính từ đầu năm, hai cổ phiếu VOS và VNA tăng lần lượt 9 và 10 lần.
Đông A