Trong bối cảnh chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ đã trở thành yếu tố quyết định giúp ngân hàng không chỉ đáp ứng mà còn vượt kỳ vọng của khách hàng. Với chiến lược số hóa mạnh mẽ, phục vụ trên 30 triệu khách hàng tương đương ¼ dân số Việt Nam, MB là Ngân hàng minh chứng cho hiệu quả của việc cá nhân hóa trải nghiệm.
Vậy hành trình ứng dụng công nghệ sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội nào cho ngành ngân hàng trong tương lai?
Tăng cường bảo vệ khách hàng thông qua đầu tư công nghệ tiên tiến
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đạt mức tăng trưởng đột phá từ khi quy định pháp lý eKYC - cho phép người dùng mở tài khoản ngân hàng online từ xa được ban hành. Mỗi năm MB thu hút thêm hàng triệu khách hàng mới. Tính đến cuối tháng 10/2024, MB có hơn 30 triệu khách hàng và tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về số lượng giao dịch và tỷ lệ casa.
Theo ông Vũ Thành Trung - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), nhiệm vụ tiên quyết của ngân hàng là tập trung vào việc phục vụ khách hàng và nâng cao chất lượng giao dịch thông qua ứng dụng công nghệ trong trải nghiệm khách hàng. Cụ thể, MB đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào phát triển hạ tầng công nghệ mỗi năm và đã tuyển dụng hơn 2.000 cán bộ công nghệ thông tin. Nhờ đó, MB không chỉ duy trì mức độ thấu hiểu khách hàng và cải tiến chất lượng sản phẩm dịch vụ liên tục, mà còn triển khai các giải pháp bảo mật toàn diện để phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Trong chiến lược này, MB liên tục nâng cấp các giải pháp bảo mật nhằm phát hiện sớm các rủi ro và cảnh báo khách hàng. Mới đây, MB đã ra mắt bộ giải pháp App Protection trên App MBBank. Đây là bước tiến quan trọng nhằm phát hiện và cảnh báo khách hàng về phần mềm độc hại bị lén cài trên điện thoại hoặc thiết bị của khách hàng bị chiếm quyền, can thiệp hoặc điều khiển từ xa. Giải pháp này đảm bảo bảo vệ thông tin cá nhân như mã PIN, số thẻ, ngăn chặn các hành vi gian lận và chiếm đoạt tài khoản. Khi mở App MBBank, hệ thống sẽ tự động kiểm tra, cảnh báo tức thời và hướng dẫn xử lý để khách hàng thực hiện giao dịch an toàn và bảo mật tuyệt đối.
Ngoài ra, từ năm 2022, MB đã sớm xác định tầm nhìn không chỉ là một ngân hàng số hóa, mà sẽ trở thành doanh nghiệp số, đơn vị kinh doanh nền tảng số. Do đó MB đặt ra nhiệm vụ cùng các ngân hàng và Nhà nước thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, mở rộng dịch vụ ở quy mô trong nước cho khách hàng nội địa và khách du lịch và cả các giao dịch xuyên biên giới. Việc khách hàng thanh toán không tiền mặt với mức chi phí hợp lý sẽ giúp giảm gánh nặng về giao dịch cho cả nền kinh tế, đồng thời tạo ra một "mỏ vàng" dữ liệu giá trị cho ngành du lịch và kinh tế Việt Nam. "Khách du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản sang Việt Nam du lịch, vốn đã thanh toán không tiền mặt ở nước họ thì sang Việt Nam cũng muốn có trải nghiệm như vậy." - Ông Vũ Thành Trung chia sẻ.
Tiếp sức công nghệ cho doanh nghiệp phục vụ khách hàng tốt hơn
Với mô hình BaaS, MB đã và đang kiến tạo một hệ sinh thái tài chính mở, giúp các đối tác doanh nghiệp phục vụ khách hàng cuối trên quy mô lớn, mang lại trải nghiệm dịch vụ trọn vẹn và xuyên suốt. Dịch vụ BaaS của MB cho phép các tổ chức tài chính kết nối linh hoạt qua hệ thống API đa dạng nhất thị trường – với khoảng 1.200 API – giúp các đối tác tối ưu hóa quản trị dòng tiền và nâng cao hiệu quả kinh doanh, tất cả đều được đảm bảo bởi mức độ bảo mật tuyệt đối. "Các đối tác dù lớn hay nhỏ, khi tích hợp dịch vụ ngân hàng vào nền tảng của đối tác đó, chúng tôi cũng cam kết thời gian tích hợp nhanh chóng trong tối đa 3 tuần làm việc", ông Trung khẳng định.
Bên cạnh đó, MB luôn ưu tiên công nghệ bảo mật và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng áp dụng các biện pháp bảo mật đa lớp như mã hóa end-to-end, xác thực hai yếu tố, và giám sát liên tục để bảo vệ tối đa dữ liệu khách hàng. Đặc biệt, MB còn chú trọng vào việc nâng cao nhận thức của khách hàng về an toàn thông tin qua các buổi hội thảo và đào tạo trực tuyến, nhằm trang bị cho khách hàng doanh nghiệp các kiến thức cần thiết trong bối cảnh rủi ro số ngày càng tăng cao.
Ông Vũ Thành Trung chia sẻ thêm: "MB đặt mục tiêu đầu tư thêm công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để có thể tận dụng tối đa lợi ích từ công nghệ, từ đó phát triển hiệu quả kinh doanh."
Tuy nhiên, một thách thức lớn hiện nay là đa phần các doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ không có nguồn lực đầu tư vào hệ thống công nghệ để mở rộng kết nối với khách hàng mục tiêu. Rất nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ cần có phần mềm quản lý bán hàng, phần mềm tương tác với khách hàng, QR động để thanh toán,... nhưng việc thuê hoặc xây dựng phần mềm quản lý bán hàng là một thách thức không nhỏ với họ khi có sự hạn chế về mặt tài chính.
Thấu hiểu về bối cảnh đó, ông Vũ Thành Trung chia sẻ: "MB đã quyết định đầu tư phần mềm MSeller, khi này các cửa hàng được sử dụng miễn phí phần mềm để lên thực đơn điện tử, đặt món, thanh toán. Chủ cửa hàng có thể theo dõi từ xa, mỗi nhân viên cửa hàng có thể dùng app kiểm tra đơn hàng thanh toán thành công."
Nhờ vào sự "tiếp sức" từ nền tảng công nghệ tiên tiến của MB, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh có đầy đủ hệ thống báo cáo tài chính, dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng hơn, phục vụ khách hàng mục tiêu tốt hơn. Thông qua chuyển đổi số và nỗ lực phát triển không ngừng suốt 30 năm qua, MB hướng đến việc giải quyết các bài toán công nghệ nhằm cung cấp dịch vụ tín dụng hiện đại và thuận tiện đến mọi loại hình doanh nghiệp trên toàn quốc. Khi này sự đóng góp của MB sẽ góp phần vào động lực thúc đẩy cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, đạt được sứ mệnh "Vì sự phát triển của đất nước, vì sự phát triển của khách hàng".