(Tổ Quốc) - Đồng USD tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 20 năm trong khi Bitcoin, chứng khoán và thậm chí cả vàng đều giảm mạnh giữa bối cảnh nhà đầu tư xa lánh các tài sản rủi ro bởi lo ngại ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tích cực chống lạm phát và mối lo ngại kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ kéo kinh tế toàn cầu giảm theo.
Đồng USD đã tăng giá trong 5 tuần liên tiếp, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay nâng lãi suất để ngăn chặn lạm phát.
Hôm thứ Hai (9/5), Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, Neel Kashkari, cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể không nhận được nhiều sự cứu trợ như họ đang hy vọng từ việc chuỗi cung ứng nới lỏng dần giúp hạ nhiệt lạm phát. Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, Raphael Bostic, cũng cho biết Fed có thể giữ nguyên kế hoạch tiếp tục các đợt tăng lãi suất, mỗi lần thêm nửa điểm phần trăm trong hai đến ba cuộc họp chính sách tiếp theo, sau đó sẽ đánh giá tác động tới lạm phát và nền kinh tế.
"Tôi đã chờ đợi thêm các tín hiệu từ Fed để chắc chắn rằng họ đang theo lộ trình tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm như kế hoạch, và đồng USD đang hưởng lợi lớn từ sự chênh lệch lãi suất đó", ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của Oanda ở New York nói, và cho rằng đồng USD trong vài tháng tới sẽ chỉ tăng và tăng.
Một số ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi đã buộc phải can thiệp để hỗ trợ đồng tiền của họ không giảm giá quá nhiều, song cũng chỉ khiến USD hạ nhiệt chút ít, và xu hướng USD tăng nhìn chung không thay đổi.
Mặc dù lãi suất của Mỹ trong chu kỳ tăng này dự kiến sẽ cao nhất ở mức khoảng 3,5% vào giữa năm 2023, song đó vẫn là mức cao hơn nhiều so với các ngân hàng trung ương đồng cấp, như Ngân hàng trung ương Anh và Ngân hàng trung ương Châu Âu.
"Ngoài ra, trên Phố Wall xuất hiện tâm lý lo sợ, do đó bạn đang thấy các dòng tiền tiếp tục hướng tới nơi trú ẩn an toàn – đồng USD."
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 9/5 theo giờ Việt Nam tăng 0,087% so với phiên trước đó, lên 103,860 sau khi có lúc chạm 104,19, mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2002, trong đó đồng euro giảm 0,18% so với USD xuống 1,0532 USD.
So với đầu năm 2022, DXY hiện cao hơn khoảng 9%.
Tuần trước, Fed đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, trong khi báo cáo hôm thứ Sáu (6/5) cho thấy thị trường việc làm tiếp tục tăng trưởng vững chắc, củng cố kỳ vọng Fed sẽ còn tiếp tục nâng lãi suất thêm nữa.
Các nhà đầu tư sẽ xem xét thêm các chỉ số lạm phát vào cuối tuần này dưới dạng chỉ số giá tiêu dùng và giá sản xuất.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hầu hết các kỳ hạn đều tăng trong phiên vừa qua, với lợi suất kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất trong vòng 3,5 năm, gần mức 3,2%, do lo ngại lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường.
Trên Phố Wall, giá cổ phiếu giảm mạnh, với chỉ số S&P 500 lúc kết thúc ngày 9/5 theo giờ Việt Nam giảm hơn 2% do các cổ phiếu đầu tầu bị kéo xuống sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng.
Một yếu tố nữa góp phần tạo nên những biến động này là cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn, và lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng ở Trung Quốc.
Theo Công cụ FedWatch của CME Group, thị trường đang hoàn toàn tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm ít nhất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 6 tới.
Đồng yên Nhật tăng 0,22% so với đồng bạc xanh, kết thúc phiên 9/5 ở mức 130,30 JPY, trong khi bảng Anh cũng giảm 0,24% xuống 1,2307 USD.
Tại khu vực đồng euro, các bình luận ‘diều hâu’ gần đây của các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đã thúc đẩy các nhà đầu tư bắt đầu có chút hy vọng ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu nâng lãi suất, song dù vậy thì lãi suất của Châu Âu sẽ vẫn ‘tụt hậu’ nhiều so với của Mỹ.
Thị trường tiền tệ kỳ vọng Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 200 điểm phần trăm từ nay đến cuối năm, đưa lãi suất tham chiếu cuối năm 2022 lên gần 3%, trong khi dự kiến ECB sẽ chỉ tăng thêm 92 điểm phần trăm để trở về mức dương.
Đồng đô la Australia – vốn nhạy cảm với việc USD tăng giá – giảm 1% trong phiên vừa qua, xuống 0,6999 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Đồng bảng Anh và đô la New Zealand chạm mức thấp nhất trong vòng 22 tháng.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục giảm và kết thúc phiên ở mức thấp nhất trong vòng gần 19 tháng khi dữ liệu thương mại tháng 4 của nước này cho thấy sự yếu kém, với nhập khẩu đi ngang và xuất khẩu tăng 3,9%, một lần nữa khẳng định những lo ngại của thị trường rằng dịch Covid-19 và những đợt phong tỏa trên khắp cả nước đang gây tổn hại cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã tăng lên 5,8% vào tháng 3, cao nhất kể từ tháng 5 năm 2020.
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ giao ngay đã giảm xuống dưới ngưỡng tâm lý quan trọng, là 6,7 CNY/USD, có chạm 6,7136 CNY, mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2020, kết thúc ngày 9/5 ở mức 6,7095 CNY, vẫn giảm 444 pip so với mức đóng cửa cuối phiên trước đó
Trên thị trường quốc tế, nhân dân tệ cũng thấp nhất 1,5 năm, xuống dưới ngưỡng quan trọng là 6,75 nhân dân tệ, trước khi kết thúc ngày ở mức 6,7486 nhân dân tệ.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin lao dốc mạnh, mất 10% xuống 31.400 USD vào lúc kết thúc ngày 9/5 theo giờ Việt Nam. Ethereum cùng thời điểm cũng giảm 12% xuống 2.393,36 USD.
Chứng khoán cũng giảm giá mạnh trong phiên này, với chỉ số S&P 500 trên Phố Wall lúc kết thúc ngày 9/5 theo giờ Việt Nam xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2021, với tất cả 11 ngành chính của S&P đều giảm: Lĩnh vực năng lượng giảm 6% do giá dầu giảm sâu sau khi dữ liệu yếu kém từ Trung Quốc và việc thành phố Thượng Hải bị phong tỏa chặt chẽ hơn làm tăng thêm lo ngại về khả năng suy thoái trên toàn cầu. Chỉ số Nasdaq của các công ty công nghệ trong cùng thời điểm cũng giảm 3,1% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2020.
Tính từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã giảm 23,4% cho đến nay trong năm nay.
Giá vàng cũng giảm mất khoảng 1% do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều mạnh lên.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 9/5 theo giờ Việt Nam giảm 1,1% xuống 1.861,46 USD/ounce; vàng giao tháng 6/2022 giảm 1,2% xuống 1.860,40 USD.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại thuộc High Ridge Futures, cho biết: "Đồng đô la đã tăng bùng nổ do kỳ vọng Fed sẽ tích cực tăng lãi suất, từ đó gây áp lực lên vàng – vốn không mang lại lãi suất".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Vũ Ngọc Diệp