(Tổ Quốc) - USD giảm giá trong ngày 15/6 song vẫn ở gần sát mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ, trong bối cảnh thị trường giao dịch cầm chừng để chờ đợi quyết định về lãi suất của Fed.
Thị trường tài chính toàn cầu đang trong giai đoạn có nhiều biến động. Một cuộc họp chính sách đặc biệt của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã giúp nâng đồng euro tăng giá nhẹ, gây áp lực lên đồng bạc xanh. Trong khi đó, báo cáo về lạm phát quá nóng ở Mỹ làm gia tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ một cách tích cực, làm tiêu tan mong muốn của các nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro, đẩy đồng USD tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 20 năm ở phiên 14/6.
Theo một số nhà phân tích, mặc dù Fed đang trong lộ trình tăng lãi suất mạnh mẽ, song đây là điều đã được thị trường dự đoán trước, do đó đồng USD có thể sẽ phải chật vật để tăng thêm nữa, từ mức cao hiện nay, sau quyết định tăng lãi suất lần này.
Simon Harvey, người đứng đầu bộ phận phân tích tiền tệ thuộc Monex Europe, cho biết: "Sự thoái lui nhẹ của đồng USD hôm nay phù hợp với quan điểm rằng thị trường đã kỳ vọng quá mức đối với Ngân hàng trung ương Mỹ".
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 15/6 theo giờ Việt Nam giảm 0,06% xuống 105,23, nhưng gần sát mức cao nhất trong 2 thập kỷ, là 105,65 đạt tới hôm thứ Ba (14/6).
Đồng USD trong phiên này được hỗ trợ chút ít bởi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 5 bất ngờ giảm do lượng mua xe động cơ giảm tỏng bối cảnh tình trạng thiếu hụt nguồn cung xảy ra ở k hắp nơi và giá xăng cao kỷ lục buộc người tiêu dùng phải tập trung tiền chi tiêu cho những mặt hàng khác.
Đồng euro đã tăng so với đồng bạc xanh sau thông tin ECB bất ngờ tổ chức một cuộc họp quan trọng, qua đó một số nhà giao dịch hy vọng sẽ giải quyết những vấn đề liên quan đến tác động từ khoảng chênh lệch lãi suất của khu vực.
Sự chênh lệch này khiến các nhà phân tích và nhà giao dịch lo ngại rằng các hành động chính sách tiền tệ của ECB có thể ảnh hưởng đến 19 quốc gia tạo nên khu vực đồng euro theo những cách khác nhau, với một số quốc gia ghi nhận mức tăng đáng kể lợi suất trái phiếu chính phủ, nhưng đa số còn lại sẽ không như thế.
Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm 15/6 cho biết họ nghiêng nhiều hơn về việc tái đầu tư vào các khoản nợ đáo hạn để giúp đỡ nhiều thành viên đang mắc nợ, và sẽ phát minh ra một công cụ mới để ngăn chặn tình trạng khác biệt giữa các thành viên.
Nhà phân tích Harvey của Monex Europe cho biết: "Cuộc họp của ECB cung cấp rất ít thông tin bổ sung so với tuyên bố chính sách đưa ra vào tuần trước".
Đồng euro tăng 0,08% vào lúc kết thúc ngày 15/6 theo giờ Việt Nam, trong phiên có lúc đạt mức cao 1,0422 USD, sau khi đạt mức tăng cao tới 1,0507 trước đó trong phiên.
Lãi suất của Mỹ đang tăng nhanh trong khi của Nhật Bản vẫn ở mức "đáy" tiếp tục tác động lên đồng yên Nhật, đẩy đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 24 năm, là 135,60 JPY vào đầu phiên 15/6, nhưng sau đó hồi phục chút để tăng 0,8% so với USD vào lúc cuối phiên.
Đồng bảng Anh đã phục hồi từ mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 3 năm 2020 vào thứ Tư, tăng 0,77% lên 1,2089 USD, nhưng xu hướng này có thể chỉ là tạm thời bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh đang chậm lại và xung đột thương mại tiềm ẩn với Liên minh châu Âu đang đè nặng lên đồng tiền này.
Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng so với đồng USD do những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang dần cải thiện, giúp làm phấn chấn tâm lý của nhà đầu tư. Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa tăng 231 pip lên 6,7194 CNY/USD.
Dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có dấu hiệu phục hồi trong tháng 5 khi sản xuất công nghiệp bất ngờ tăng, nhưng tiêu thụ vẫn yếu, và cho thấy còn nhiều thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh kéo dài các biện pháp chống Covid-19 một cách nghiêm ngặt.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 18 tháng khi cuộc khủng hoảng tiền điện tử ngày càng sâu sắc. Lúc kết thúc ngày 15/6 theo giờ Việt Nam, Bitcoin có giá chỉ 20.076,05 USD, kéo theo các loại tiền điện tử nhỏ hơn giảm giá theo, với Ethereum giảm mạnh xuống gần 1.100 USD. Dữ liệu từ CoinMarketCap cho thấy tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền điện tử đã lần đầu tiên kể từ năm 2021 giảm xuống dưới 1.000 tỷ USD.
Mới đây, Celsius Network - nền tảng vay và cho vay tiền điện tử lớn nhất thế giới - đã đưa ra thông báo tạm ngừng mọi hoạt động chuyển tiền và rút tiền do "điều kiện thị trường khắc nghiệt", khiến thị trường tiền điện tử từ đó lao dốc mạnh, bởi lo ngại dự án có thể sắp phá sản. Dự án này tiết lộ họ có khoảng 1,7 triệu người dùng cùng với 8 tỷ USD tiền gửi. Hiện tại, toàn bộ số tài sản này đã bị đóng băng và chưa rõ thời gian mở khóa.
Các nhà đầu tư lo ngại về vấn đề lạm phát và tăng lãi suất. Các khoản đầu tư mạo hiểm như tiền điện tử không còn là lựa chọn của nhiều người.
Giá vàng đảo chiều tăng trong phiên vừa qua do USD yếu đi. Theo đó, vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.820,69 USD/ounce vào lúc kết thúc ngày 15/6 theo giờ Việt Nam, vàng giao tháng 8 tăng 0,6% lên 1.823,40 USD.
Mặc dù giá tăng trong phiên này, nhưng triển vọng thị trường kim loại quý này đang có nhiều bất trắc. Với việc những người tham gia thị trường gần như chắc chắn rằng Fed sẽ tăng lãi suất 50- 75 điểm cơ bản 2 lần liên tiếp, "thị trường vàng và thị trường các tài sản rủi ro ở trong hoàn cảnh giống nhau – có xu hướng giảm giá hơn là tăng", TD Securities cho biết. Tuy nhiên, Goldman Sachs cho rằng một "cú sốc về tài sản" do các đợt phong tỏa ở Trung Quốc chỉ làm trì hoãn chứ không phải làm thay đổi quan điểm của họ rằng giá vàng thỏi sẽ tăng.
Sự phục hồi của nhu cầu thị trường mới nổi, dòng vốn ETF mạnh mẽ, ngân hàng trung ương mua vào trong bối cảnh tăng trưởng của Mỹ suy yếu vào năm 2023, tất cả đều là những dấu hiệu tốt cho vàng, ngân hàng này cho biết, và dự kiến giá vàng trong 3 tháng tới sẽ là 2.100 USD/ounce.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Vũ Ngọc Diệp