(Tổ Quốc) - Mỹ công bố số liệu lạm phát tháng 8 đã gây áp lực giảm giá cho đồng USD nhưng lại thúc đẩy giá vàng bật lên trên ngưỡng 1.800 USD. Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin hồi phục trở lại mức 47.000 USD.
Đồng đô la Mỹ (USD) giảm sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát tháng 8 thấp hơn dự kiến, làm giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ sớm cắt giảm kích thích kinh tế, trong khi dữ liệu kinh tế mới của Trung Quốc gây thất vọng cũng gây áp lực giảm giá cho đồng nhân dân tệ và đô la Australia.
Chỉ số dollar index (so sánh USD với rổ 6 đồng tiền chủ chốt) chiều 15/9 theo giờ Việt Nam ở mức 92,632. Chỉ số này đã giảm ngay sau khi Bộ Lao động Mỹ vừa công bố báo cáo về lạm phát tháng 8/2021, qua đó cho thấy CPI lõi ghi nhận mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 2 đến nay, dấu hiệu cho thấy lạm phát đã bắt đầu hạ nhiệt.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 8 tăng 5,3% so với một năm trước đó và 0,3% so với tháng 7. Tháng trước, mức tăng trong tháng là 0,5%. Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI chỉ tăng 0,1% so với tháng 7 và 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo của giới quan sát trước đó lần lượt là 0,3% và 4,2%. Như vậy, CPI lõi (loại trừ giá thực phẩm và năng lượng) đã ghi nhận mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 2 đến nay.
Dollar index đã dao động trong khoảng từ 92,3 đến 92,9 trong tuần qua khi một số quan chức Fed đề xuất rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm mua lại các khoản nợ vào cuối năm nay, ngay cả sau dữ liệu cho thấy thị trường việc làm tăng trưởng không như dự kiến.
Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát 5,3% vẫn là mức mức cao nhất trong vòng 13 năm qua. Lạm phát tăng cao gần đây đã gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong việc phải điều chỉnh các chính sách kích thích kinh tế, trong đó có lãi suất cực thấp. Các quan chức Fed cho biết đang theo dõi sát sao lạm phát, mặc dù phần lớn họ tin rằng sự gia tăng mạnh trong năm nay chỉ là nhất thời, bởi những yếu tố thúc đẩy lạm phát như tắc nghẽn chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu gia tăng sẽ sớm trở lại bình thường.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) sẽ tổ chức cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần tới. Sự kiện này thu hút các nhà đầu tư – những người đang ngóng chờ xem liệu có thông báo về việc giảm dần kích thích kinh tế hay không. Nếu Fed giảm kích thích kinh tế thì điều đó sẽ có lợi cho đồng USD tăng giá, bởi điều đó cho thấy Fed đang tiến gần hơn tới chính sách tiền tệ thắt chặt, đồng nghĩa với ngân hàng trung ương sẽ mua ít tài sản nợ hơn trước, đồng thời cũng giảm số lượng USD lưu thông một cách hiệu quả.
Rodrigo Catril, chiến lược gia tiền tệ cấp cao thuộc Ngân hàng Quốc gia Australia, viết trong một lưu ý gửi tới khách hàng của mình: "Việc (Fed) giảm in tiền sẽ làm giảm bớt lo ngại về áp lực lạm phát giá hàng hóa", nhưng "có vẻ như việc trì hoãn trong năm nay vẫn là một lựa chọn khả thi hơn, ít nhất là sẽ phải tới tháng 11 hoặc 12 tới (Fed mới công bố bắt đầu giảm kích thích)".
Mặc dù vậy, NAB nhận định trọng tâm của tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu đang chuyển Mỹ, sẽ đẩy đồng USD giảm xuống 1,23 USD/EUR vào cuối năm nay. Chiều 15/9 theo giờ Việt Nam, tỷ giá EUR tương đương 1,1808 USD, gần như không thay đổi so với phiên liền trước.
Đồng USD cũng giảm xuống còn 109,595 yen Nhật – trong khoảng giá duy trì suốt 2 tháng qua.
Trong khi đó, Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng của đồng đô la, dự đoán rằng chi phí lao động ở Mỹ tăng nhanh sẽ khiến giá tiêu dùng tăng cao. Carol Kong, chiến lược gia của CBA, đã viết trong một thông báo rằng: "Lạm phát trên mức mục tiêu sẽ chứng minh nó dai dẳng hơn những gì mà FOMC mong đợi", "Hàm ý là FOMC có thể sẽ cần phải tăng lãi suất quỹ liên bang (Funds rate) nhiều hơn những gì thị trường hiện đang mong đợi, điều điều đó có thể hỗ trợ USD đi xuống."
Funds rate là lãi suất mục tiêu do FOMC đặt ra, là tỷ lệ các ngân hàng thương mại đi vay và cho vay dự trữ vượt mức của mình qua đêm, là công cụ được sử dụng để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng nhân dân tệ (CNY) và đô la Australia (AUD) hôm nay giảm sau khi dữ liệu của Trung Quốc cho thấy tăng trưởng doanh số bán lẻ và sản xuất tại các nhà máy chậm hơn nhiều so với dự kiến.
Thêm một thông tin nữa gây lo ngại về tình hình tài chính Trung Quốc là công ty bất động sản Trung Quốc, China Evergrande Group, sẽ không có khả năng trả khoản nợ của mình khi đáo hạn vào tuần tới. Evergrande đang phải đối mặt với khoản nợ hơn 300 tỷ USD khi hàng trăm tòa nhà chung cư chưa hoàn thành. Công ty thậm chí đã bắt đầu thanh toán các khoản nợ quá hạn bằng cách bàn giao các công trình dang dở.
Đồng nhân dân tệ sáng 15/9 có lúc giảm xuống chỉ 6,4433 CNY/USD, đến chiều 15/đô la hồi phục nhẹ nhưng vẫn giảm 0,1% so với phiên trước, xuống 6,4410, kết thúc chuỗi 5 phiên tăng trước đó.
Đồng AUD cũng có lúc giảm xuống mức thấp 0,73015 USD lần đầu tiên trong hơn hai tuần sau các dữ liệu của Trung Quốc, trước khi hồi phục nhẹ, ở mức 0,7320 USD.
Tỷ giá tiền tệ quốc tế chiều 15/9
Bitcoin ngày 15/9 dao động quanh 47.000 USD. Lúc 16h ngày 15/9 theo giờ Việt Nam, BTC ở mức 47.176,13 USD, tăng 2,37% trong vòng 24 giờ, gần sát mức cao nhất 1 tuần (47.380,23 USD) và cao hơn 8,18% so với mức thấp nhất 7 phiên gần đây, 43.606,98 USD.
Giá vàng duy trì trên ngưỡng tâm lý quan trọng 1.800 USD nhờ USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đều chịu áp lực sau số liệu lạm phát của Mỹ. Chiều 15/9, giá vàng giao ngay ở mức 1.802,86 USD/ounce, không thấp nhiều so với mức cao nhất 1 tuần đạt được trong phiên liền trước (1.808,50 USD); vàng kỳ hạn tháng 12 giảm nhẹ 0,2% xuống 1.803,8 USD.
Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty môi giới OANDA, cho biết dữ liệu của Mỹ là "tin tốt cho vàng", vì làm giảm khả năng Fed sẽ thông báo giảm kích thích trong kỳ họp tháng 9.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại quỹ Insignia Consultants, ông Chintan Karnani cho biết: "Bất kỳ số liệu kinh tế Mỹ nào mới công bố đều quan trọng bởi nhà đầu tư vàng sẽ sử dụng chúng để đánh giá dự báo kinh tế quý tiếp theo". Ông nói thêm rằng thông tin doanh số bán lẻ sẽ ảnh hưởng đến giá vàng cũng như chỉ số đồng USD.
Trong kỳ họp tháng 9 này (diễn ra vào ngày 21-22/9), Fed sẽ xem xét các dữ liệu kinh tế mới nhất để quyết định về chính sách tiền tệ sắp tới - điều sẽ có tác động lên thị trường tài chính toàn cầu, nhất là giá vàng và USD. Do đó, tâm điểm chú ý của thị trường trong những ngày này chính là sự kiện cuộc họp của Fed.
Tham khảo: Refinitiv
Vũ Ngọc Diệp