USD và vàng tăng mạnh, Bitcoin mất mốc 40.000 USD

(Tổ Quốc) - USD biến động mạnh trong phiên vừa qua, tăng mạnh vào đầu phiên, sau đó quay đầu giảm vào gần cuối cuối phiên sau khi dữ liệu lạm phát tháng 3 của Mỹ cho thấy giá tiêu dùng tăng mạnh, trước khi tăng trở lại sau đó.

Chỉ số lạm phát giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 3 lên tới 8,5%, là mức cao nhất trong vòng 40 năm bởi giá xăng tăng mạnh. Tỷ lệ này có thể sẽ còn cao hơn nữa nếu giá xe hơi và xe tải đã qua sử dụng không giảm.

Dữ liệu cho thấy có một số dấu hiệu chứng tỏ lạm phát của Mỹ đã đạt đỉnh. Chỉ số giá tiêu dùng cơ bản của Mỹ trong tháng 3 thấp hơn một chút so với ước tính, ở mức 6,5%.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc OANDA cho biết: "Có rất nhiều tín hiệu tích cực cho thấy những đợt giá tăng nóng có thể bắt đầu giảm dần", có nghĩa là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể không cần phải mạnh tay trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm nay.

"Mặc dù điều đó (tỷ lệ lạm phát trong tháng 3) dự kiến sẽ không làm thay đổi bất cứ điều gì mà Fed sẽ thực hiện trong vài cuộc họp tiếp theo, nhưng ho thấy Fed có thể không cần phải quyết liệt với chính sách thắt chặt tiền tệ vào cuối năm nay, và đó là lý do tại sao đồng USD quay đầu giảm vào gần cuối phiên", ông Moya nói. Tuy nhiên, với dữ liệu lạm phát quá cao như hiện nay, DXY không có lý do để giảm lâu.

Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 12/4 theo giờ Việt Nam tăng 0,27% lên 100,2008. Đầu phiên, DXY tăng vượt 100, sau đó giảm xuống dưới ngưỡng quan trọng này, trước khi hồi phục trở lại.

So với euro, USD cũng tăng 0,42% lên 10372 USD vào lúc kết thúc ngày 12/4 theo giờ Việt Nam, mặc dù trước đó vài giời giảm 0,02% xuống 1,0881 USD.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ, xuống 2,7099%, sau khi đạt 2,793% vào thứ Hai (11/4), mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2019.

Đồng euro giảm giá một phần cũng bởi thị trường chuyển hướng chú ý sang cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu, sẽ diễn ra vào cuối tuần này. Các nhà phân tích và nhà đầu tư dự đoán ECB sẽ giảm lãi suất khoảng 70 điểm cơ bản vào tháng 12/2022.

Ông Moya cho biết, bất kỳ sự phục hồi nào của đồng euro đều có thể sẽ bị hạn chế bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang diễn ra. Ngoài việc đẩy giá xăng dầu lên cao, cuộc xung đột này còn khiến giá lương thực trên toàn cầu tăng vọt bởi Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu lớn đối với các mặt hàng như lúa mì và dầu hướng dương.

"Cho đến khi có giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, triển vọng kinh tế của Nga và Ukraine sẽ vẫn là những dấu hỏi lớn và điều đó sẽ không có lợi cho đồng euro", ông Moya nói.

Tuy nhiên, không phải đồng euro luôn trong xu hướng giảm. Euro đã hồi phục mạnh mẽ sau vòng bỏ phiếu thứ nhất của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, khiến euro tăng lên 1,09550 USD hôm 11/4, sau thông tin rằng Tổng thống Emmanuel Macron ‘đánh bại’ đối thủ thuộc đảng cực hữu, bà Marine Le Pen.

Trong khi đó, USD tiếp tục tăng mạnh so với yen Nhật, kết thúc ngày 12/4 theo giờ Việt Nam ở mức 125,47 JPY, không xa so với mức cao nhất kể từ tháng 6/2015, là 125,86 JPY cách đây ít ngày. Nếu vượt qua mức đó, USD sẽ đạt mức cao nhất so với yen kể từ năm 2002.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki hôm thứ Ba (12/4) đã từ chối bình luận cụ thể về tỷ giá trên thị trường ngoại hối, nhưng cho biết nếu yen biến động quá mức và diễn biến một cách ‘mất trật tự’ thì có thể gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và sự ổn định tài chính của Nhật Bản.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã nhiều lần can thiệp để giữ cho lợi suất trái phiếu kỳ hạn tham chiếu ở mức 0.

Nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục giảm giá so với USD, bởi giống như Nhật Bản, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng nằm trong số ít những đơn vị có chủ trương chính sách ôn hòa.

Giá trị của đồng nhân dân tệ lúc kết thúc ngày 12/4 theo giờ Việt Nam giảm 6 pip so với phiên trước, xuống 6,3701 CNY.

Các nhà kinh tế và và nhà đầu tư dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào thứ Sáu tuần này (15/4), khi khoản vay chính sách trung hạn trị giá 150 tỷ nhân dân tệ (23,55 tỷ USD) đáo hạn.

Rúp Nga dao động quanh mức 80 RUB. Đầu phiên 12/4, RUB giảm xuống 80,29 RUB/USD, nhưng hồi phục chút ít lên 79,84 RUB vào cuối phiên.

USD và vàng tăng mạnh, Bitcoin mất mốc 40.000 USD - Ảnh 1.

Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tiếp tục xu hướng giảm, nhiều lúc xuống dưới ngưỡng 40.000 USD do nhà đầu tư tiếp tục dò xét các tài sản rủi ro cao.

USD và vàng tăng mạnh, Bitcoin mất mốc 40.000 USD - Ảnh 2.

Diễn biến đồng Bitcoin ngày 12/4.

Giá vàng tăng hơn 1% do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sau dữ liệu lạm phát cao kỷ lục khiến nhiều người cho rằng lạm phát đã đạt đỉnh và Fed không cần mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ dài hạn.

Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 12/4 theo giờ Việt Nam tăng 1% lên 1.972,76 USD/ounce, cao nhất trong vòng gần 1 tháng; vàng giao tháng 6 tăng 1,5% lên 1.977,70 USD.

Lo ngại của thị trường rằng các biện pháp chính sách mạnh tay của Fed có thể sẽ là sai lầm khiến kinh tế nước này rơi vào suy thoái cũng củng cố nhu cầu vàng như một nơi trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, giá vàng tiếp tục tìm thấy sự hỗ trợ từ những diễn biến xung quanh vấn đề Ukraine.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Vũ Ngọc Diệp

Tin mới