(Tổ Quốc) - Lợi nhuận của nhiều ngân hàng giảm mạnh trong quý cuối cùng năm 2021 do đẩy mạnh trích lập dự phòng. Dù chịu tác động tiêu cực trước mắt nhưng xu hướng này có thể giúp các nhà băng ‘’vững vàng’’ tăng trưởng trong dài hạn.
Ảnh hưởng từ dịch bệnh đã tác động mạnh tới kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong quý 4 và cả năm 2021.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Ngân hàng Quốc dân chỉ đạt vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng, giảm 38,2% so với cùng kỳ. Riêng trong quý IV, ngân hàng báo lỗ đến 203,2 tỷ đồng do trích lập dự phòng rủi ro và chi cho các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc.
Tương tự, Ngân hàng Bản Việt cũng ghi nhận mức lỗ trước thuế lên tới 74 tỷ đồng trong quý vừa qua do phải đẩy mạnh trích lập dự phòng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế của nhà băng này chỉ tăng nhẹ 6,6% so với năm 2020 dù hầu hết các mảng kinh doanh đều khởi sắc. Tuy nhiên, sự chậm lại kết quả kinh doanh cũng đã nằm trong dự tính của ban lãnh đạo ngân hàng khi lãi sau thuế vẫn vượt 7% so với kế hoạch đề ra. Điểm tích cực là nợ xấu của ngân hàng này đã giảm mạnh so với cuối năm trước.
Tương tự, lợi nhuận của Bac A Bank và PGBank cũng đi lùi trong quý 4 do phải tăng gấp đôi, gấp ba dự phòng rủi ro tín dụng.
Việc lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng trưởng âm thậm chí lỗ trong quý 4 không gây nhiều bất ngờ cho thị trường và giới phân tích. Bởi tăng cường khả năng phòng thủ đang là mục tiêu hàng đầu của ngành ngân hàng trong bối cảnh nguy cơ bùng phát nợ xấu do dịch bệnh vẫn còn hiện hữu.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống vào cuối năm 2020 chỉ ở mức 1,9%. Tuy nhiên, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu có thể lên tới 7,31%.
Trong khi đó, dù được phép cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các ngân hàng vẫn phải trích 30% dự phòng phần dư nợ tái cơ cấu vào cuối năm nay và 100% trong 2 năm tới theo quy định tại Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Do đó, áp lực trích dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng đối với các khoản nợ cơ cấu cho khách hàng là rất lớn.
Không chỉ với các ngân hàng nhỏ và vừa, các ông lớn trong ngành cũng tích cực trích lập dự phòng trong năm 2021, đẩy tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao kỷ lục.
Vietcombank mới đây đã gây chú ý với thị trường khi công bố tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng (LLR) cao kỷ lục ngành ngân hàng ở mức 424%. Điều này đồng nghĩa, mỗi đồng nợ xấu nội bảng của Vietcombank được đảm bảo bằng hơn 4 đồng dự phòng.
Tương tự, BIDV cũng tăng cường trích lập dự phòng trong năm 2021, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao nhất từ trước đến nay đạt 235%. Con số này tại thời điểm 30/9/2021 mới chỉ đạt 140% và cuối năm 2020 là gần 89%.
Khả năng trang trải nợ xấu của BIDV tăng vọt trong quý IV/2021 trong bối cảnh nợ xấu của ngân hàng này được báo cáo giảm rất mạnh. Theo đó, dư nợ xấu vào cuối năm trước ước tính ở mức hơn 10.700 tỷ đồng, giảm "sốc" so với mức hơn 21.400 tỷ đồng hồi cuối tháng 9/2021.
Tại VietinBank, khả năng phòng thủ nợ xấu cũng tăng đáng kể khi tỷ lệ bao phủ đạt 171%, tăng mạnh so với mức 119% vào cuối tháng 9 và 132% của cuối năm 2020.
Ngoài ba ông lớn kể trên, tỷ lệ LLR cũng tăng nhanh tại một loạt ngân hàng trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, Techcombank tăng từ 171% vào cuối năm 2020 lên 184%, MB tăng từ 134% lên 233%, ACB tăng từ 160% lên 198%, hay tỷ lệ này cũng cải thiện mạnh tại nhóm ngân hàng nhỏ hơn như Bản Việt, Bắc Á, An Bình…
Theo lãnh đạo các ngân hàng, chi phí dự phòng đảm bảo cho các khoản nợ xấu phát sinh do dịch Covid-19 không chỉ là tăng sự thận trọng, mà còn là bộ đệm dự phòng cho những biến cố có thể xảy ra trong năm 2022.
"Chúng tôi tăng cường sự thận trọng, để nếu năm 2022 có những biến cố thì Ngân hàng vẫn có bộ đệm dự phòng tốt," lãnh đạo Ngân hàng Bản Việt khẳng định.
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng mới đây, các chuyên gia của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, hệ thống ngân hàng đang có sự phân hóa mạnh về chất lượng tín dụng. Rủi ro đối với các ngân hàng yếu kém, có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng. Trong khi những ngân hàng đã trích lập dự phòng trước và trích lập đầy đủ các khoản vay tái cơ cấu (Vietcombank, ACB, MB, VietinBank, Techcombank) sẽ có triển vọng tích cực.
SSI cho rằng dù thông tư 14 về cơ cấu nợ xấu có được gia hạn hay không thì các ngân hàng tốt sẽ vẫn có đủ năng lực để xử lý rủi ro nợ xấu. Bộ đệm tín dụng tốt sẽ giúp ngân hàng tránh được những những cú shock đột ngột trong bảng cân đối kế toán.
Ánh Dương