(Tổ Quốc) - Nếu có một khoản tiền mặt trong tay, có người sẽ lựa chọn cất vào két, có người sẽ gửi ngân hàng, có người mua vàng và cũng có người mang đi đầu tư. Mỗi cách ứng xử sẽ tạo ra kết quả khác nhau cho cả cá nhân và nền kinh tế.
Với một khoản tiền mặt nhàn rỗi - có thể là tiền mừng tuổi của con - có những cách xử lý ra sao vào tác động đến nền kinh tế thế nào? Hãy cùng nhìn lại các kênh tiền chảy trong nền kinh tế năm 2021 để thấy người Việt nói chung đang ưa chuộng hình thức nào nhất.
Cầm tiền mừng tuổi của con tiêu ngay, bạn đóng góp gì cho nền kinh tế?
Xét trên khía cạnh kinh tế học hành vi, nếu bạn tiêu ngay số tiền đó, theo quan điểm của Keynes, bạn đã lựa chọn tiêu dùng ngay và bỏ qua thu nhập tiềm năng trong tương lai (cũng có thể là khoản lỗ trong tương lai).
Còn xét về kinh tế vĩ mô, tiêu dùng chính là một bộ phận của GDP. Việc tiêu dùng là một cách để kích thích sản xuất, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, đây chưa hẳn sẽ là phương án được nhiều người lựa chọn ở thời điểm hiện tại.
Khảo sát mới nhất của YouGov - công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu quốc tế, cho thấy đại dịch đã làm thay đổi bức tranh tài chính cá nhân tại Việt Nam. Người tiêu dùng đang thận trọng hơn về thói quen tiêu dùng ngắn hạn cũng như các kế hoạch tài chính dài hạn của họ.
Gần một nửa hộ gia đình đã bị giảm thu nhập vào năm 2021. Hơn 25% cho biết rằng thu nhập của họ giảm nhẹ từ 10-20%. Trong khi đó, 20% chứng kiến mức giảm lớn, giảm ít nhất 20% so với mức lương trước đây. Trong bối cảnh đó, 28% người tiêu dùng Việt Nam tăng mức tiết kiệm và giảm chi tiêu cho các khoản tiêu dùng không thiết yếu.
Nếu cất tiền đi?
Thay vì tiêu ngay, nếu lựa chọn cất tiền mừng tuổi của con vào lợn tiết kiệm, hoặc két sắt, bạn sẽ đứng trước rủi ro lạm phát.
Lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây. Vẫn với số tiền mừng tuổi đó, nhưng nếu cất đi thì đến cuối năm, lượng hàng hóa có thể mua được đã giảm.
Gửi ngân hàng thì sao?
Ngân hàng vẫn là lựa chọn tin cậy của nhiều gia đình. Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng vẫn ở mức thấp so với thời điểm trước dịch Covid-19, hiện tại, kênh ngân hàng được xem là kênh bảo toàn vốn, và không còn hấp dẫn người dân như trước.
Với Covid-19, lãi suất huy động tiền gửi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, khiến lượng tiền tiết kiệm của người dân gửi vào ngân hàng sụt giảm.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2021, tiền gửi của dân cư chỉ tăng 3,08% so với đầu năm, đạt hơn 5,3 triệu tỷ đồng. Trong tháng 8-9/2021, tiền gửi dân cư sụt giảm mạnh, lần lượt giảm gần 1.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng, xuống còn hơn 5,291 triệu tỷ đồng. Điều này xuất phát từ việc thu nhập người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh, cộng với lãi suất huy động ở mức quá thấp, mức sinh lời không hấp dẫn. Vì vậy, dòng tiền nhàn rỗi đã chảy từ kênh tiết kiệm sang các kênh đầu tư có mức sinh lời cao hơn.
Mua vàng sẽ ảnh hưởng thế nào?
Với vai trò là một nơi trú ẩn an toàn khi các loại tài sản khác biến động, vàng là một phương tiện tích trữ giá trị khá được yêu thích so với các mặt hàng khác. Vì thế, đối với những người không ưa thích rủi ro, thì mua vàng tiết kiệm không phải lựa chọn tồi.
Theo một nghiên cứu của Hội đồng vàng thế giới (WGC) thực hiện vào cuối năm 2020, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, vàng vẫn duy trì được lợi thế tại Việt Nam. Cụ thể, có 81% số người đã từng mua vàng khẳng định sẽ tiếp tục mua và chỉ 10% nói rằng họ không hứng thú với vàng. Trên toàn cầu, con số này chỉ khoảng 45%. Số liệu này cho thấy thói quen, văn hóa và nhu cầu vàng của người Việt rất lớn.
Song, nếu để đầu tư, thì vàng vẫn chưa phải là một khoản đầu tư năng động.
Trong thế kỷ qua, giá vàng, sau khi hiệu chỉnh lạm phát, tăng trung bình chỉ 1,1% một năm, so với 6,5% của thị trường cổ phiếu Mỹ. Ngay cả trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, được coi là tài sản phi rủi ro nhất trên thế giới, cũng sinh lợi nhuận hàng năm cao hơn.
"Nếu xem như một khoản đầu tư, vàng không có tố chất nào mà tôi đánh giá cao, như sự đổi mới và năng động, và gây ra nhiều tệ nạn mà tôi coi thường, bao gồm cả tư duy "kiếm tiền thuê" điển hình của các ngành khai thác" - Ruchir Sharma - Trưởng chiến lược gia toàn cầu tại Morgan Stanley Investment Management nhận định.
Còn đầu tư chứng khoán?
Năm 2021 là một năm sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Người người nhà nhà đầu tư chứng khoán, nên những ngày nghỉ cuối cùng của dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều người còn lên mạng xã hội, "xin" các mã tiềm năng để đầu tư bằng tiền lì xì của con.
Theo Nikkei Asian, làn sóng nhà đầu tư mới đang tràn ngập thị trường chứng khoán Việt Nam vì ba lý do: Lãi suất giảm, khiến người gửi tiền tìm kiếm lợi nhuận ở nơi khác; Người Việt Nam có nhiều tiền mặt hơn để đầu tư, từ những doanh nhân phải đóng cửa doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch đến thế hệ trẻ được thừa kế tài sản; và sự giãn cách xã hội trong năm qua, khiến mọi người luôn ở trong nhà và với chiếc điện thoại thông minh của họ. Những lý do này đã tạo cơ hội cho những người nhiều tiền mặt ở Việt Nam tìm hiểu thị trường chứng khoán.
Năm 2021, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường tăng mạnh đã góp phần đẩy thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam lên hàng tỷ USD/phiên. Thống kê đến hết tháng 11/2021, tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới là 2,77 triệu tài khoản.
Xét trên khía cạnh kinh tế, việc đầu tư vào chứng khoán được chuyên gia cho là có lợi cho nền kinh tế hơn so với việc rót tiền vào các loại tài sản như vàng, vì sẽ có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hoàng Hà