Vấn đề nợ xấu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên trầm trọng khi dòng tiền bị suy yếu, đứt đoạn

(Tổ Quốc) - Theo nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong, cuộc chiến chống COVID-19 xác định sẽ phải kéo dài nhiều năm, vì vậy vấn đề nợ xấu là cực kỳ quan trọng, có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và nền kinh tế nói chung.

Sáng nay ngày 23/6, Báo Tiền Phong và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm: "Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp". 

Các diễn giả tham gia tọa đàm có Đại diện Ngân hàng Nhà nước; Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Ông Đoàn Văn Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC); Bà Nguyễn Thu Lan – Giám đốc cao cấp quản trị rủi ro, Ngân hàng TMCP Techcombank; Ông Nguyễn Huy Tài – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP SHB; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP BIDV; Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI; Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội và Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải TP. Hà Nội.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết: Nợ xấu là hiện tượng không thể tránh khỏi của bất kỳ nền kinh tế nào, giải pháp để giải quyết nợ xấu là vấn đề rất quan trọng. Đối với hệ thống tín dụng của nước ta, vấn đề nợ xấu từng rất trầm trọng, đặt ra bài toán nan giải cho Nhà nước. Năm 2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết 42, với hành lang pháp lý đó cùng với sự cố gắng của hệ thống Ngân hàng Nhà nước, chúng ta đã có những cố gắng rất lớn trong giải quyết nợ xấu.

Hiện nay đại dịch COVID-19 đã tạo ra thử thách lớn, gây đứt gãy sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực nhạy cảm như vận tải, nghỉ dưỡng. Vấn đề nợ xấu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên trầm trọng khi dòng tiền của các doanh nghiệp bị suy yếu, đứt đoạn, thậm chí đứt hẳn dẫn đến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, bóng ma nợ xấu lại quay trở lại. Hơn 1 năm qua, các tổ chức tín dụng đã có khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp.

Cuộc chiến chống COVID-19 xác định sẽ phải kéo dài nhiều năm, vì vậy vấn đề nợ xấu là cực kỳ quan trọng, có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và nền kinh tế nói chung.

Vấn đề nợ xấu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên trầm trọng khi dòng tiền bị suy yếu, đứt đoạn - Ảnh 1.

Nhà báo Lê Xuân Sơn

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết số 42/2017/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 21/06/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017, trên 3 năm đi vào thực tiễn, đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. 

Nghị quyết có hiệu lực, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp với ngành Ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42; cùng với những quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010), khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại được hoàn thiện; kê biên, hoàn thiện thủ tục pháp lý, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức thấp nhất.

Nghị quyết 42 cũng cho khách hàng thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm trả nợ của mình. Từ năm 2017 trở về trước, công tác xử lý nợ rất khó khăn. Tuy nhiên, tới khi có Nghị quyết 42, thái độ của khách hàng trong việc phối hợp xử lý nợ xấu đã có chuyển biến, nhiều khách hàng trước đây chây ì, thiếu thiện chí trong việc bàn giao tài sản, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý, thì sau đó đã hợp tác với các tổ chức tín dụng, bàn giao tài sản để các tổ chức tín dụng xử lý phát mại và thu hồi nợ…

Tới nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu (66% số nợ) xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng (54%), ngoại bảng (21%) bán cho VAMC (25)%. Trong đó, khách hàng tự nguyện trả nợ 150 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi thời điểm trước Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng được phép chủ động quyết định biện pháp xử lý khoản nợ là bán nợ, thu giữ tài sản cho dù có hay không có sự đồng ý của bên vay/bên bảo đảm đã tạo áp lực rất lớn buộc bên vay/bên bảo đảm phải có trách nhiệm trong việc trả nợ và phải hợp tác với các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ nếu không muốn mất tài sản...

Nhờ các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các tổ chức tín dụng thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã xử lý được khối lượng khá lớn nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối, góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng, đồng thời góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ tạo niềm tin đối với hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung đối với công tác xử lý nợ xấu trong nền kinh tế.


P. V (lược ghi)

Tin mới