(Tổ Quốc) - Chỉ trong vòng một tuần, giá vàng từ khoảng 1.900 USD/ounce lúc đầu tuần, vọt lên trên 1.970 USD/ounce vào giữa tuần rồi kết thúc ở mức dưới 1.890 USD/ounce. Sự biến động quay cuồng của giá vàng liệu có còn tiếp diễn?
Thị trường vàng từ chỗ bị chi phối bởi triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát, tuần này quay ngoắt sang bị chi phối hoàn toàn bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nhà đầu tư ồ ạt rời khỏi các tài sản rủi ro cao để tìm tới tài sản an toàn, trong đó có vàng.
Phiên thứ Sáu (25/2), giá vàng giao ngay kết thúc ở mức 1.887,05 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 4 cũng giá 1.887,60 USD/ounce, giảm khoảng 1%, bất chấp có thời điểm trong tuần giá tăng vọt lên 1.973,96 USD/ounce. Sự phục hồi trên thị trường chứng khoán toàn cầu đang gây áp lực lên kim loại trú ẩn an toàn.
Nhiều người đang băn khoăn tự hỏi liệu giá vàng sắp tới sẽ đi về đâu, khi cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn đang căng thẳng, và kỳ họp tháng 3 của Fed đang đến gần?
Lo sợ đã lên đến đỉnh điểm
Adam Button, chiến lược gia tiền tệ trưởng của công ty Forexlive.com, cho biết: "Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng (Nga – Ukraine), vàng cho thấy đây là tài sản trú ẩn an toàn duy nhất mà các nhà đầu tư muốn sở hữu. Vàng cho thấy giá trị nội tại của mình là một tài sản quan trọng như thế nào", "Tuy nhiên, chúng ta có thể đã chứng kiến nỗi sợ hãi và lo ngại liên quan đến Ukraine đã lên đến đỉnh điểm và đó có thể là một cơn gió ngược đối với vàng". Do đó, tâm lý về kim loại này trong thời gian tới đã chuyển sang xu hướng giảm nhẹ.
Kết quả mới nhất của cuộc khảo sát hàng tuần về triển vọng giá vàng tuần tới do Kitco News thực hiện cho thấy không có bức tranh chính xác nào về kim loại quý này. Tâm lý giảm giá trong ngắn hạn cao hơn một chút so với tâm lý tăng giá. Tuy nhiên, Main Street vẫn cực kỳ lạc quan về triển vọng giá vàng.
Tuần này, 15 nhà phân tích Phố Wall đã tham gia cuộc khảo sát vàng của Kitco News. Trong số những người tham gia, có 6 người, tương đương 40%, dự báo giá sẽ tăng trong tuần tới; 7 người, tương đương 47%, dự báo giá sẽ giảm; và 2 người dự báo giá đi ngang.
Trong khi đó, 1.001 phiếu khảo sát trực tuyến ở Main Street, có 710 người dự báo giá sẽ tăng, tương đương 71%; 187 người, tương đương 19%, dự báo giá giảm; và 104 người, tương đương 10%, có ý kiến trung lập.
Kết quả khảo sát của Kitco về giá vàng tuần tới.
Mặc dù giá vàng đã tăng vọt gần đây do căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine, các chuyên gia cảnh báo các nhà đầu tư không nên phân bổ quá 15% danh mục đầu tư của mình vào kim loại quý này. Lý do bởi vấn đề về Ukraine sẽ chỉ "nổi bật" trong một thời gian, mà vàng không phải là "trò chơi chiến thuật".
Không thể phủ nhận vàng vẫn luôn là nơi trú ẩn an toàn nhất, song việc giá dao động trong biên độ gần 100 USD/ounce chỉ trong vài ngày đã khiến nhiều người thất vọng. Sẽ rất rủi ro nếu dùng vàng làm nơi trú ẩn an toàn để né tránh các vấn đề địa chính trị, bởi nếu bất ổn địa chính trị không gia tăng thì động lực cho vàng cũng sẽ không duy trì. Kịch bản này đã tái diễn nhiều lần trong thập kỷ qua, và giá vàng sau mỗi sự kiện luôn xuống thấp hơn mức lúc sự kiện bắt đầu.
Vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn nhất
Song, dù không nên theo đuổi vàng trong bối cảnh xung đột địa chính trị thì điều đó không có nghĩa vàng không phải là một tài sản trú ẩn an toàn hiệu quả.
Theo một số nhà phân tích, thay vì tập trung vào sự biến động từng ngày, các nhà đầu tư cần nhìn nhận vàng từ góc độ dài hạn.
Cùng những gì đang diễn ra ở Ukraine, cuộc xung đột này sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu. Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba thế giới, đồng thời cũng có vai trò quan trọng trong thị trường năng lượng. Do đó, xung đột ở đó sẽ đe dọa đến chuỗi cung ứng lương thực và năng lượng toàn cầu, có thể khiến lạm phát tăng nóng hơn nữa.
Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng mối đe dọa lạm phát ngày càng tăng đã đưa thị trường vàng vào xu hướng tăng giá từ rất lâu trước khi cuộc xung đột Nga – Ukraine gia tăng, và vụ việc giữa hai quốc gia Đông Âu chỉ là một chất xúc tác mới.
Giá tiêu dùng ở Mỹ tiếp tục tăng cao hơn dự kiến, với CPI lõi – thước đo lạm phát của Fed – tăng lên 5,2%, mức cao nhất kể từ năm 1983. Đây không phải là thông tin mới, nhưng điều đó cho thấy giá tăng sẽ chưa đến hồi kết.
Và không chỉ ở Mỹ, giá tiêu dùng ở Canada đạt mức cao nhất trong 30 năm. Theo một số nhà phân tích và kinh tế, giá cả tăng ở châu Âu có thể tạo ra một cuộc suy thoái mới. Người tiêu dùng đang thấy sức mua của họ bị xói mòn liên tục, có nghĩa là động lực tiêu dùng sẽ giảm.
Áp lực lạm phát đang khiến lãi suất tăng cao, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ dao động quanh mức 2%. Môi trường này sẽ tạo thêm sự biến động cho thị trường chứng khoán, buộc các nhà đầu tư phải giảm thiểu rủi ro. Điều này có thể thấy ở việc giá Bitcoin đã giảm hơn 20% trong năm nay.
Vấn đề mà các nhà đầu tư phải đối mặt, và câu hỏi họ đang đặt ra là nên bỏ vốn vào đâu? Trong khi lợi suất trái phiếu tăng - ở mức 2%, bạn vẫn sẽ mất tiền nếu tính theo giá thực khi lạm phát Mỹ tháng trước lên đến 6,9%.
Vàng là một trong những trụ cột an toàn cuối cùng trên thị trường tài chính toàn cầu. Kim loại này không có mối tương quan với cổ phiếu và không có rủi ro đối tác (counter-party risk), giúp nó trở thành một công cụ đa dạng hóa quan trọng trong danh mục đầu tư. Do đó, dù có thể bạn khó chịu khi giá vàng biến động bất thường như vừa qua, đây vẫn là một tài sản quan trọng đối với các nhà đầu tư.
Chirag Mehta, Giám đốc cấp cao của Quỹ đầu tư Quantum AMC cho rằng: "Mọi người nên bám sát các nguyên tắc cơ bản và phân bổ 10-15% danh mục đầu tư của mình cho loại tài sản chiến lược này - vốn đã nhiều lần đóng vai trò tăng cường lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro trong danh mục đầu tư của nhà đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, địa chính trị hoặc các cuộc khủng hoảng khác, do đó đã đầu tư nên giữ nguyên giá trị. Các nhà đầu tư mới nên tránh đầu tư ồ ạt ở mức hiện tại. "
Thị trường tài chính sẽ tiếp tục dễ bị tổn thương trước những diễn biến địa chính trị trong thời gian tới. Vàng, một loại tài sản được săn đuổi nhiều trong thời điểm đó, sẽ hưởng lợi khi các nhà đầu tư không thích rủi ro. Một khi sự không chắc chắn giảm bớt, giá vàng có thể sẽ quay đầu giảm".
Ông nói thêm, "Tuy nhiên, trong trường hợp xung đột này kéo dài hoặc leo thang sẽ thổi bùng lên ngọn lửa của lạm phát vốn đã cao, gây hậu quả là tăng trưởng kinh tế chậm lại, thúc đẩy thị trường biến động và e sợ rủi ro. Môi trường đó sẽ hỗ trợ giá vàng, nhưng cuối cùng cũng sẽ vấp phải trở ngại là chu kỳ thắt chặt của Fed – dự báo chắc chắn sẽ đến".
Tham khảo: Kitco, Cnn, Reuters
Vũ Ngọc Diệp