(Tổ Quốc) - Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam vay gần 3 tỷ USD ngoại tệ từ các tổ chức quốc tế, điều này khiến công ty phải chịu rủi ro tỷ giá lớn.
Năm 2020, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đạt doanh thu thuần 3.670 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước đó. Lợi nhuận gộp ghi nhận 2.671 tỷ đồng, tỷ suất 73%.
Doanh thu hoạt động tài chính 603 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi tiền gửi. Tuy nhiên, chi phí tài chính đã tăng mạnh lên 3.192 tỷ đồng, do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá tăng gấp 3 lên 1.542 tỷ đồng. Lãi tiền vay và phí cam kết giảm 27%.
Chính chi phí tài chính lớn đã ngốn hết lợi nhuận của VEC đạt được. Chi phí quản lý doanh nghiệp thực tế chỉ 75 tỷ đồng, không đáng kể so với lợi nhuận gộp.
VEC lãi ròng gần 9 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm 2019 ghi nhận 308 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính kiểm toán 2020, VEC đã điều chỉnh hồi tố kết quả kinh doanh năm 2019 theo chế độ kế toán hiện hành. Sự thay đổi chính nằm ở giá vốn đã giảm đi 317 tỷ đồng giúp cho lợi nhuận gộp cải thiện một khoản tương đương. Điều chỉnh này giúp lợi nhuận ròng tăng vọt từ 8 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng.
Điều chỉnh này cải thiện biên lãi gộp của VEC từ 64% lên gần 73% và tiếp tục được duy trì trong năm 2020. Như vậy, nếu loại bỏ tác động của các chi phí bất thường (mà chủ yếu nằm ở chi phí tài chính, như lỗ tỷ giá năm ngoái), VEC có thể ghi nhận mức lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Tổng tài sản của VEC tại thời điểm 31/12/2020 ghi nhận 92.116 tỷ đồng. Nợ phải trả 80.891 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 11.225 tỷ đồng, gấp 7,2 lần. Các khoản nợ vay cuối kỳ ghi nhận gần 70.000 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn.
Các khoản vay dài hạn là ngoại tệ từ các tổ chức như ADB (1,3 tỷ USD), World Bank (265 triệu USD), JICA (hơn 132 triệu Yên). Điều này lý giải vì sao VEC chịu lỗ tỷ giá lớn trong năm 2020 khi tỷ giá ngoại tệ biến động.
Là chủ đầu tư 6 tuyến cao tốc lớn, Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nằm trong số những đơn vị kinh doanh hạ tầng lớn nhất cả nước.
Các dự án làm nên tên tuổi của VEC có thể kể đến như cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, Cầu Giẽ - Ninh Bình (miền Bắc); cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (miền Trung); cao tốc TP HCM – Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành (miền Nam).
Đông A