(Tổ Quốc) - Mặc dù được cấp chỉ tiêu tín dụng thấp, hiện phổ biến là 7 - 11%, nhưng các ngân hàng đều đưa ra kế hoạch rất cao trong năm nay, thậm chí có những nhà băng đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng gấp tới 3 – 4 lần chỉ tiêu.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp chỉ tiêu tín dụng sơ bộ cho các tổ chức tín dụng. Nhìn chung, mặt bằng room tín dụng năm nay thấp hơn so với năm trước, trong đó Techcombank và TPBank là những ngân hàng được cấp hạn mức cao nhất, với lần lượt 12,5% và 11,5%. Hai ngân hàng được cấp chỉ tiêu tín dụng cao tiếp theo là MB và Vietcombank với 10,5%, tiếp đến là ACB với 9,5%, VIB được 8,5%, BIDV và VietinBank cùng 7,5% trong khi Agribank, Eximbank là 6,5%...
Mặc dù được cấp chỉ tiêu tín dụng thấp như trên, nhưng các ngân hàng đều đưa ra kế hoạch rất cao trong năm nay, thậm chí có những nhà băng đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng gấp tới 3 – 4 lần chỉ tiêu.
Chẳng hạn 2 ngân hàng đã đại hội cổ đông sớm là VIB và MSB, các cổ đông của VIB thông qua kế hoạch chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay là 31%, của MSB chốt chỉ tiêu 25%. Cổ đông của BIDV cũng thông qua kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 9%. Các ngân hàng khác chưa đại hội, nhưng trong kế hoạch tăng trưởng tín dụng đặt ra từ đầu năm tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 2021 cũng cao hơn đáng kể so với năm trước, chẳng hạn Vietcombank là 12%, VietinBank tối đa là 12%, Kienlongbank khoảng 28,5%...
Vì sao các ngân hàng lại mạnh dạn đặt chỉ tiêu cao đến vậy?
Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, NHNN có định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 12% trong năm nay, nhưng cơ quan quản lý cũng linh động, phụ thuộc vào chính sách tiền tệ cũng như diễn biến thị trường, tình hình đại dịch để điều chỉnh kế hoạch tăng hay giảm tăng trưởng tín dụng. "Hiện nay các ngân hàng đều được giao tăng trưởng ban đầu phổ biến là 7 – 11%, nhưng tới đây NHNN sẽ đánh giá độ lành mạnh, sức khoẻ tài chính, độ minh bạch cũng như thực tế trong điều hành chính sách tiền tệ để bổ sung chỉ tiêu thêm đợt 2 hoặc đợt 3. Trước mắt chỉ tiêu thấp thể hiện sự thận trọng của cơ quan quản lý", vị này nói thêm.
Việc đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao, theo vị lãnh đạo nói trên, là do các ngân hàng đã có tính toán cụ thể dựa trên chiến lược kinh doanh của năm nay. Hơn nữa, các ngân hàng cũng dựa vào lịch sử tăng trưởng tín dụng của bản thân mình, thường là khoảng 3-4 năm trở lại đây, để đề ra chỉ tiêu tăng trưởng phù hợp.
Ngoài ra, thu nhập từ lãi hiện vẫn chiếm đa số trong tổng doanh thu của các ngân hàng, nên để đạt lợi nhuận cao, nếu không có các khoản thu đột biến như bán vốn, hợp tác độc quyền bảo hiểm…thì việc phải đẩy tăng tín dụng lên cao là tất yếu.
Trên thực tế, cầu tín dụng từ đầu năm đến nay rất khả quan. Số liệu từ Tổng cục Thống kê vừa công bố ngày 29/3 cho thấy tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến 19/3 đã đạt 1,47%, tăng gấp hơn 2 lần so với mức 0,68% của cùng kỳ năm ngoái, dự kiến cả năm tăng trưởng tín dụng cũng cao hơn bởi nhu cầu mạnh từ nền kinh tế sau đại dịch. Một số ngân hàng cuối tháng 3 cũng tiết lộ tăng trưởng tín dụng quý đầu năm ở mức cao như MSB khoảng 8 – 9%, ở Sacombank khoảng 4%...
Tại báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, các nhà phân tích của công ty này đã ước tính tăng trưởng tín dụng nhóm ngân hàng thương mại cổ phần trong quý I/2021 sẽ tăng 15% so với cùng kỳ. Hai ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tốt nhất trong 2 tháng đầu năm là Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB).
Hằng Kim