Vì sao ĐBSCL liên tục dẫn đầu về thu hút FDI?

(Tổ Quốc) - Tính đến ngày 20/4/2021, trong tổng số 12,25 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm 2021, hai tỉnh Long An và Cần Thơ đã chiếm tới 4,6 tỷ USD, chiếm gần 37,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Những năm gần đây, với tiềm năng phát triển ngành năng lượng, Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản, mà còn là vùng có tiềm năng to lớn trong bản đồ năng lượng.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Hiện nhiều tỉnh, thành phố đã, đang và sẽ xây dựng các nhà máy điện, với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

Long An có tiêu điểm là Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện. Còn Cần Thơ nổi bật với dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia. 

Chỉ nhờ có hai dự án này, Long An và Cần Thơ nói riêng, cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, từ "vùng trũng" FDI, đã vượt qua tất cả các tỉnh thành khác trong cả nước, lần lượt dẫn đầu và đứng thứ hai về tổng vốn đầu tư ngoại đăng ký vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, đạt 4,6 tỷ USD, chiếm gần 37,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Trước đó, từ năm 2020, chỉ với dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu do Delta Offshore Energy (Singapore) đầu tư trị giá 4 tỷ USD, với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG, Bạc Liêu liên tục dẫn đầu cả nước về FDI, vượt qua cả TP. HCM.

Liên doanh Tư vấn Royal Haskoning DHV (Hà Lan) và GIZ (Đức) chỉ ra những tiềm năng to lớn của các nguồn năng lượng sạch tại Đồng bằng sông Cửu Long: khu vực này có 90% số ngày nắng cường độ cao trong năm, thích hợp phát triển điện mặt trời. 

Đồng bằng sông Cửu Long còn là khu vực bán đảo thấp và phẳng, gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5-6m/giây ở độ cao 80m, thích hợp phát triển điện gió. Ngoài ra, lợi thế vị trí, địa hình của vùng còn tạo thuận lợi cho việc dẫn khí đốt từ ngoài khơi vào bờ và xây dựng những kho nổi cỡ lớn làm nhiệt điện khí.

Mặt khác, theo tính toán của Bộ Công thương, Việt Nam ước tính sẽ thiếu khoảng 6,6 tỷ kWh điện vào năm 2021; 11,8 tỷ kWh vào năm 2022 và đỉnh điểm trên 13 tỷ kWh vào năm 2023. Để bù đắp sản lượng thiếu hụt khổng lồ này, theo ước tính sẽ cần khoảng 130 tỷ USD đầu tư năng lượng mới cho đến năm 2030, tương đương mức đầu tư trung bình 12 tỷ USD/năm, trong đó, khoảng 9 tỷ USD dành cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ USD đầu tư lưới điện. Với nhu cầu lớn như vậy, Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư năng lượng.

Ngoài ra, theo ý kiến của các chuyên gia, hoàn vốn nhanh, cầu lớn là hai yếu tố quan trọng hút các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo Việt Nam ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh Covid-19 làm cho các lĩnh vực khác trở nên rủi ro hơn nhiều. Tuy nhiên, xu hướng này có khả năng sẽ không kéo dài sau khi đại dịch kết thúc, và các dự án năng lượng đã bão hòa.

Thái Quỳnh

Tin mới