(Tổ Quốc) - Sự ảm đạm của kinh tế Ấn Độ giữa đại dịch Covid-19 đã lên đến đỉnh điểm trong tuần này, khi có thông tin rằng: GDP bình quân đầu người của nước này vào năm 2020 có thể thấp hơn so với nước láng giềng - Bangladesh.
"Bất kỳ nền kinh tế mới nổi nào vẫn còn đang hoạt động tốt thì đều là một tin tốt", ông Kaushik Basu, cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, đã nói sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới. "Nhưng thật là sốc khi Ấn Độ, với GDP bình quân đầu người cao hơn Bangladesh 25% hồi 5 năm trước, giờ đang bị tụt lại phía sau hàng xóm của mình".
Kể từ khi bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào những năm 1990, ước mơ của Ấn Độ là có thể tăng trưởng nhanh chóng như Trung Quốc. Sau ba thập kỷ kiên trì với ước mơ đó, việc tụt lại phía sau Bangladesh đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Ấn Độ trên trường quốc tế. Phương Tây muốn có một đối trọng mới, ngang tầm với Trung Quốc, nhưng mối quan hệ đối tác đó sẽ chỉ xảy ra khi Ấn Độ không bị mắc vào bẫy thu nhập trung bình thấp.
Thu nhập bình quân đầu người của Bangladesh sẽ nhỉnh hơn một chút so với Ấn Độ trong năm nay. Năm 2018, Ấn Độ cao hơn tới 20%.
Nguồn: IMF Triển vọng Kinh tế Thế giới * GDP bình quân đầu người tính theo đô la Mỹ hiện hành (Nếu được điều chỉnh theo chênh lệch lạm phát và sức mua của đồng nội tệ, người Ấn Độ vẫn kiếm được trung bình nhiều hơn 22% so với người Bangladesh)
Ấn Độ đã tụt lại từ vì lý do gì? Đại dịch coronavirus chắc chắn là nguyên nhân chính. Các ca nhiễm mới ở Bangladesh đã đạt đỉnh vào giữa tháng 6 và giảm từ thời điểm đó. Trong khi, số ca nhiễm mới mỗi ngày của Ấn Độ chỉ bắt đầu giảm dần từ mức cao kỷ lục.
Với 165 triệu dân, Bangladesh có chưa tới 5.600 trường hợp tử vong do Covid-19. Trong khi Ấn Độ - có dân số gấp 8 lần, lại có số người tử vong cao gấp 20 lần. Điều tồi tệ hơn là, lệnh đóng cửa kinh tế nghiêm ngặt mà Ấn Độ sử dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh có thể gây thiệt hại tới 10,3% sản lượng thực tế, theo IMF. Con số này cao gần gấp 2,5 lần mức thiệt hại mà nền kinh tế toàn cầu dự kiến phải gánh chịu.
Sự khó khăn về tài khóa, hệ thống tài chính thiếu vốn sẽ khiến kinh tế Ấn Độ bị trì hoãn sau Covid-19. Tệ hơn nữa, ngay cả khi không có đại dịch, Ấn Độ vẫn có thể về sau Bangladesh trong cuộc đua.
Một bài báo mới của nhà kinh tế học Shoumitro Chatterjee, Đại học Bang Pennsylvania và Arvind Subramanian, trước đây là cố vấn kinh tế chính của Ấn Độ đã giải thích lý do.
Trước hết, hãy xem xét sự khác biệt trong tăng trưởng. Bangladesh đang làm tốt vì đang đi theo con đường của những con hổ châu Á trước đây. Tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa thâm dụng lao động ở mức phù hợp với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động ở các nước nghèo. Việt Nam đang làm tốt hơn một chút. Nhưng về cơ bản, cả hai quốc gia đều đang tăng trưởng tốt với con đường trước đây của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Ấn Độ đã đi theo hướng khác. Họ không sản xuất những mặt hàng thâm dụng lao động - những thứ lẽ ra có thể thu hút 1 tỷ dân số trong độ tuổi lao động. Các nhà hoạch định chính sách không muốn thừa nhận rằng các nhà máy giày và quần áo, những nhà máy chưa có cơ hội ra đời hoặc bị buộc phải đóng cửa, cũng có thể kiếm tiền và tạo ra hàng loạt việc làm.
Các nhà máy dệt may, giày dép này sẽ dần dần mang lại tăng trưởng, giúp đỡ người nghèo theo cách mà những công việc đòi hỏi trình độ giáo dục và đào tạo cao hơn không bao giờ có thể làm được. Bangladesh có tới 40% phụ nữ trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động, gấp đôi Ấn Độ với chỉ 21%.
Thay vì sửa chữa sai lầm, các chính trị gia ngày càng lún sâu trong sự tự mãn: "Nghèo hơn Bangladesh? Đừng bận tâm. Chúng ta có thể hạn chế nhập khẩu và sản xuất, tự tiêu dùng trong nước. Hãy tạo công ăn việc làm theo cách đó". Đột nhiên, khẩu hiệu tự lực cánh sinh của những năm 1960 và 1970 - vốn không hiệu quả - đang trở lại trong chính sách kinh tế Ấn Độ.
Thương mại đã hỗ trợ cho Ấn Độ. Ấn Độ xuất khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ có kỹ thuật cao, chẳng hạn như phần mềm máy tính. Nhưng với tư cách là công xưởng của thế giới, Trung Quốc hiện đang nhường chỗ cho những nước khác ở cấp độ thấp hơn. Đó cơ hội của Ấn Độ với lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động rẻ và không có trình độ quá cao. Nhưng họ đã bỏ qua cơ hội đó.
Chỉ riêng việc tạo ra ít nhất 8 triệu việc làm hàng năm, chắc cũng đủ để khiến Ấn Độ đau đầu.
H.S
Bloomberg