Vì sao nhiều 'đại gia' điện gió phải giảm 70-80% công suất?

(Tổ Quốc) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE Hồ Tá Tín nhận định, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng khá nặng nề, dẫn đến hàng loạt "đại gia" điện gió buộc giảm 70-80% công suất. Ngoài ra, thời gian ưu đãi giá sắp hết hạn. Do vậy, Chính phủ cần sớm quyết định cho phép kéo dài cơ chế giá FIT theo Quyết định 39 đến hết năm 2023 đối với điện gió trên bờ và đối với điện gió ngoài khơi đến hết năm 2025.

Ngày 29/10, tại Hà Nội đã diễn ra toạ đàm "Góp ý cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo" do tạp chí Nhà đầu tư tổ chức. Phát biểu tại toạ đàm, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), ông Đỗ Đức Quân nhấn mạnh: "Dựa trên thực tế vừa qua, nếu các cơ chế chính sách phù hợp, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu như: giúp ngành điện huy động được lượng vốn đầu tư lớn từ lĩnh vực tư nhân, giảm áp lực vốn đầu tư vào các công trình nguồn, hướng dòng vốn của EVN đầu tư vào các dự án với mục đích cải thiện chất lượng cung cấp điện".

Bên cạnh đó, trong chưa đầy 2 năm, số lượng dự án điện mặt trời đưa vào vận hành đã tăng từ vài dự án lên tới 100 dự án với tổng công suất lên tới 5.829 MW. Điều này giúp công suất đặt các dự án điện mặt trời từ chỗ chỉ chiếm gần 1% nay đã đạt gần 9% tổng công suất đặt hệ thống.

Phó Cục trưởng cho biết: "Trong tương lai, dự kiến các nguồn điện gió và mặt trời sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Hiện nay đã có khoảng 187 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 11.687 MW và 137 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 13.618 MW đã được bổ sung quy hoạch. Khoảng 312 dự án/78.035 MW các dự án điện gió và 331 dự án /36.581 MW các dự án điện mặt trời hiện đang được các địa phương tiếp tục đề xuất phát triển".

Song, mặc dù tiềm năng lớn nhưng các loại hình năng lượng tái tạo còn lại vẫn chưa phát triển hết mức. Cụ thể, điện sinh khối chỉ có 378 MW/ tổng tiềm năng 13,7 GW; điện rác hiện có 10 MW/ tổng tiềm năng 1 GW.

Theo Phó Cục trưởng Đỗ Đức Quân, nhiều văn bản chỉ đạo có vai trò kim chỉ nam đã được đưa ra nhằm thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ, với định hướng tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo vào các năm 2030 và 2045 dự kiến đạt lần lượt khoảng 30% và 43% tổng điện năng sản xuất toàn quốc.

"Để tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia phát triển năng lượng tái tạo, vẫn cần có những cam kết mạnh mẽ, những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư bền vững và dài hạn cho lĩnh vực này từ Chính phủ nhằm tạo sự tin tưởng từ các nhà đầu tư", Phó Cục trưởng nhận định.

Nhiều "đại gia" điện gió buộc giảm 70-80% công suất do Covid-19

Cũng tại toạ đàm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE, ông Hồ Tá Tín khẳng định, nguyên nhân chủ yếu của việc khai thác năng lượng tái tạo ở Việt Nam chưa tương xứng là do các rào cản về cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, nguồn vốn và năng lực phát triển dự án của nhà đầu tư.

Trong đó, tỷ lệ các dự án năng lượng tái tạo đi vào vận hành chỉ đạt khoảng 32% đối với điện mặt trời và chỉ khoảng 3,8% đối với dự án điện gió trên tổng số dự án được bổ sung quy hoạch. Theo ông Tín, những con số này thể hiện thực trạng triển khai dự án năng lượng tái tạo trên thực tế không phải dễ dàng. Đồng thời, hầu hết các dự án hiện nay chỉ nằm trên giấy, nguy cơ xảy ra quy hoạch "treo" là hiện hữu nếu không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu.

Đại diện Tập đoàn HBRE cũng chỉ ra những hạn chế của ngành công nghiệp này. Thứ nhất, mặc dù nguồn nguyên liệu cho điện gió tại Việt Nam khá lớn, nhưng đi kèm với rủi ro là thiên tai. Thứ hai, nhà máy điện gió cần vốn lớn, nhưng nguồn vốn trong nước vẫn hạn chế do việc vay vốn tại các ngân hàng khó khả thi. Thực tế, hạn mức và lãi suất trong nước rất cao (10%/năm), trong khi đó đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 4-6%.

"Vấn đề quan trọng nhất đối với các dự án điện gió là đầu ra, nằm ở cơ chế chính sách của Chính phủ. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng khá nặng nề, dẫn đến hàng loạt 'đại gia' điện gió buộc giảm 70-80% công suất, trong khi thời gian ưu đãi giá sắp hết hạn".

Do vậy, Chủ tịch Hồ Tá Tín kết luận, Chính phủ cần sớm quyết định cho phép kéo dài cơ chế giá FIT theo Quyết định 39 đến hết năm 2023 đối với điện gió trên bờ và đối với điện gió ngoài khơi đến hết năm 2025, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm triển khai đầu tư, đưa các dự án điện gió đã được bổ sung quy hoạch vào vận hành, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.

Q.L

Tin mới