Ngân hàng Quốc Tế (VIB) vừa hoàn tất rút vốn khoản vay trị giá 150 triệu USD, tương đương 3.700 tỷ đồng từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Khoản vay 150 triệu USD từ IFC có kỳ hạn 5 năm nhằm hỗ trợ VIB đẩy mạnh danh mục cho vay khách hàng cá nhân mua, xây dựng, sửa chữa nhà để ở. Trong đó, VIB sẽ dành hơn 45 triệu USD (tương đương 1.100 tỷ đồng) để tài trợ cho các khoản mua nhà có giá trị dưới 35 ngàn USD (~870 triệu đồng).
Khẳng định uy tín và năng lực trên thị trường vốn quốc tế
Thiết lập quan hệ đối tác từ năm 2011, IFC đã cung cấp cho VIB nhiều gói tín dụng trực tiếp trung và dài hạn cùng nhiều khoản tín dụng hợp vốn trị giá hàng trăm triệu USD. VIB cũng là một trong những ngân hàng hoạt động tích cực và hiệu quả nhất trong chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu (Global Trade Finance Program – GTFP) của IFC với hạn mức lên tới 144 triệu USD. Năm 2021, tổng doanh số giải ngân cho VIB thông qua bảo lãnh của IFC trong GTFP đạt trên 242 triệu USD, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ. Trong quá trình hợp tác, VIB đã 6 lần được IFC vinh danh bằng các giải thưởng uy tín: Ngân hàng phát hành có nghiệp vụ tài trợ thương mại tốt nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất trong hoạt động tài trợ thương mại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương….
"IFC tự hào cung cấp khoản vay này để VIB hỗ trợ nhiều hơn nữa các gia đình có thu nhập trung bình thấp có thể tiếp cận được các khoản vay mua nhà. Khi nhu cầu về nhà ở vừa túi tiền gia tăng sẽ thúc đẩy mở rộng nguồn cung của phân khúc này, tạo thêm nhiều việc làm và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế," ông Allen Forlemu, Giám đốc IFC phụ trách Khối Các Định chế Tài chính khu vực Châu Á- Thái Bình Dương cho biết.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB cho biết: "Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phát đi nhiều tín hiệu cảnh báo về sự suy thoái, thị trường huy động vốn quốc tế cũng sẽ chịu những tác động nhất định. Việc IFC tiếp tục giải ngân một khoản vay với kỳ hạn lên đến 5 năm cho VIB tiếp tục khẳng định uy tín và năng lực của VIB trên thị trường huy động vốn quốc tế cũng như sự tín nhiệm của đối tác dành cho ngân hàng. Nguồn vốn từ khoản vay mới này sẽ được chúng tôi bổ sung vào trong cơ cấu vốn của ngân hàng, được sử dụng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng cũng như tăng cường sự ổn định trước biến động của thị trường".
Trước đó, vào tháng 3/2022, VIB cũng huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 260 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cùng một số ngân hàng lớn trong khu vực.
Ngân hàng hoạt động hiệu quả và an toàn hàng đầu
VIB cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 với hiệu quả kinh doanh vượt trội, các chỉ số quản trị rủi ro và thanh khoản đạt mức an toàn cao nhờ động lực đến từ chiến lược ngân hàng bán lẻ, cùng với khả năng đa dạng hóa nguồn thu và quản trị chi phí hiệu quả hàng đầu hệ thống. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng đạt hơn 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%, thuộc nhóm hàng đầu thị trường. Tổng doanh thu đạt trên 13.300 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Thu nhập dịch vụ đạt 2.350 tỷ đồng, đóng góp 18% vào tổng thu nhập hoạt động. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, khoảng 4.600 tỷ đồng, với mức tăng 12%, thấp hơn nhiều so với mức tăng doanh thu.
Tính đến 30/09/2022, tổng tài sản của VIB đạt 341.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2021. Dư nợ tín dụng đạt 228.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2021. VIB là một trong những ngân hàng có rủi ro tín dụng tập trung thuộc nhóm thấp nhất thị trường với mức độ phân tán rủi ro tối đa, tỷ trọng dư nợ bán lẻ chiếm 90% tổng danh mục cho vay, với trên 90% khoản vay có tài sản đảm bảo.
Trong đợt công bố tháng 8 vừa qua, VIB là một trong số ít các ngân hàng thương mại được xếp hạng cao nhất bởi NHNN cho năm 2021, dựa vào kết quả đánh giá với điểm số cao về: an toàn vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh và khả năng thanh khoản. Luôn tiên phong trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế, VIB là ngân hàng đầu tiên hoàn thành 3 trụ cột Basel II vào cuối năm 2019, áp dụng và tuân thủ chuẩn mực Basel III về quản trị rủi ro thanh khoản năm 2021 và đồng thời là một trong số ít ngân hàng phát hành báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2020 và 2021 theo chuẩn mực quốc tế (IFRS).