(Tổ Quốc) - Miliket – hay còn được gọi với cái tên thân thuộc hơn là mì 2 con tôm với hình 2 con tôm in trên vỏ bao. Đây là một trong những "biểu tượng" của sản phẩm mì ăn liền lâu đời tại Việt Nam, gắn liền với ký ức của rất nhiều người Việt.
Mới đây, CTCP Lương thực – Thực phẩm Colusa – Miliket (mã CK: CMN) vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021.
Theo báo cáo tài chính, năm 2021, Miliket ghi nhận doanh thu thuần cả năm đạt gần 574 tỷ đồng, giảm 40 tỷ đồng, tương ứng giảm khoảng 6,5% so với năm 2020. Lợi nhuận gộp đạt 122 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp là 21,3% thu hẹp lại so với mức 23% của năm 2020. Doanh thu tài chính đạt 7 tỷ đồng giảm 22% so với gần 9 tỷ đồng năm 2020.
Dù tiết kiệm các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế của Miliket vẫn giảm mạnh 35,7%, xuống còn hơn 14 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, lợi nhuận Miliket sụt giảm. EPS đạt 2.963 đồng.
Năm nay, dòng tiền lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh của Miliket âm 12 tỷ đồng trong khi năm ngoái dương 9,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông lớn ngành mì tôm Việt Nam - Tập đoàn Acecook với mì Hảo Hảo đã trở thành thương hiệu quốc dân, đang chiếm lĩnh khoảng 35% thị phần mì tôm Việt Nam. Năm 2020, doanh thu mì ăn liền của ông lớn này đạt 11.531 tỷ đồng.
Đứng thứ hai trong ngành là Masan. Hai năm gần đây, tốc độ tăng trưởng doanh thu ngành hàng mì ăn liền của Masan luôn đứng đầu thị trường, trung bình đạt 33,19%/năm, gấp 9 lần so với toàn thị trường mì Việt Nam. Masan sở hữu chuỗi bán lẻ Winmart, Winmart tích hợp với Masan Consumer dẫn dắt thị trường mì ăn liền với hai nhãn hàng nổi tiếng là Omachi và Kokomi.
Từ năm 2020, đại dịch Covid-19 thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng mì gói của người dân Việt Nam khiến doanh thu của Masan tăng mạnh. Năm 2021, doanh thu mảng mì gói của Masan Consumer đạt 8.800 tỷ đồng, tăng 27,8% so với năm 2020, tăng 43,71% so với trước đại dịch.
Huyền Trang