(Tổ Quốc) - Ngân hàng Trung ương Anh từng cảnh báo rằng một ngày nào đó Bitcoin có thể "vô giá trị" và những người đầu tư vào chúng nên chuẩn bị sẵn sàng để mất tất cả.
Sự mở rộng gần đây của vũ trụ tiền mã hóa là một điều đáng ngạc nhiên. Hai năm trước, chỉ có khoảng 6.000 loại tiền mã hóa được liệt kê trên CoinMarketCap. Cho đến nay con số đó là 18.855, gấp hơn 3 lần. Vốn hóa thị trường tiền mã hóa đã bùng nổ từ 330 tỷ USD năm 2018 lên gần 1.900 tỷ USD đầu năm 2022 - gần bằng GDP danh nghĩa của Canada năm 2021. Tính đến cuối năm 2021, có tới hơn 100 triệu ví tiền kỹ thuật số, gấp ba lần so với năm 2018.
Cơ cấu các bên nắm giữ tiền mã hóa cũng trở nên phức tạp hơn. Tính đến cuối năm 2021, các tổ chức chiếm 63% giao dịch, tăng từ 10% trong năm 2017.
Khối lượng giao dịch tiền mã hóa theo cơ cấu tổ chức. Nguồn: Chianalysis
Tuy nhiên, sự phát triển này cũng không thể tránh khỏi được các biến động đặc trưng của thị trường tiền mã hóa. Bitcoin đã giảm từ đỉnh 69.000 USD vào tháng 11/2021 xuống còn dao động quanh mức 40.000 USD vào ngày 13/4/2022. Mỗi lần Bitcoin đi xuống đều đặt ra những câu hỏi về mức độ tồi tệ của nó. Hãy thử tưởng tượng rằng điều gì sẽ xảy ra nếu giá Bitcoin giảm về 0.
"Hiệu ứng domino” trên các thị trường tài chính nếu Bitcoin sụp đổ
Viễn cảnh này có thể bắt nguồn từ các cú sốc mang tính hệ thống, chẳng hạn như lỗi kỹ thuật hoặc một vụ hack nghiêm trọng trên các sàn giao dịch tiền mã hóa lớn. Chúng cũng có thể đến từ các yếu tố bên ngoài như sự kìm hãm của các cơ quan quản lý hay việc điều chỉnh lãi suất của ngân hàng trung ương.
Ông Mohamed El-Erian, một nhà quản lý tài sản, cho biết có ba loại nhà đầu tư tiền mã hóa. Loại đầu tiên là “Những người theo chủ nghĩa cơ bản”, tức là những người tin rằng một ngày nào đó Bitcoin sẽ thay thế tiền tệ do chính phủ phát hành. Loại thứ hai là "Chiến thuật gia", họ cho rằng giá trị của tiền mã hóa sẽ tăng lên khi có nhiều người đầu tư vào nó. Cuối cùng là "Nhà đầu cơ", những người đánh cược vào xu hướng ngắn hạn.
Mặc dù sự sụp đổ xảy ra sẽ gây nên một sự thất vọng lớn đối với nhóm đầu tiên, nhưng họ ít có khả năng "xả hàng" nhất. Trong khi đó, nhóm thứ ba sẽ bỏ chạy ngay khi có dấu hiệu nguy hiểm đầu tiên. Để tránh sự hoảng loạn vào phút chót, nhóm thứ hai phải được thuyết phục ở lại. Tuy nhiên, điều này là không có khả năng nếu giá Bitcoin giảm về 0.
Viễn cảnh này sẽ làm thủng nền kinh tế tiền mã hóa. Những thợ đào Bitcoin có ít động lực hơn để tiếp tục, khiến quá trình xác minh và nguồn cung Bitcoin bị gián đoạn. Các nhà đầu tư cũng có thể bán các loại tiền mã hóa khác. Theo ông Philip Gradwell của Chainalysis, những đợt giảm giá gần đây đã chỉ ra rằng các đồng tiền mã hóa khác đang đi theo “dấu chân” của Bitcoin.
Kết quả, một lượng đáng kể của cải sẽ bị phá hủy. Những người nắm giữ dài hạn sẽ phải chịu những khoản lỗ nhỏ so với mức giá họ đã trả, nhưng thu được một lượng lớn lợi nhuận chưa thực hiện. Khoản lỗ lớn nhất so với giá mua sẽ rơi vào những người mua chưa đầy một năm.
Tổng giá trị tài sản bị xóa sẽ vượt vốn hóa thị trường của tài sản kỹ thuật số. Sự kiện này cũng sẽ quét sạch các khoản đầu tư cá nhân vào các công ty tiền điện tử như các sàn giao dịch hay các công ty tiền điện tử được niêm yết. Các công ty thanh toán như PayPal, Revolut và Visa sẽ mất một phần lớn hoạt động kinh doanh đang phát triển và điều này sẽ làm giảm giá trị của họ. Nói chung, có lẽ 2.000 tỷ USD sẽ biến mất từ trong đợt chấn động đầu tiên này, cao hơn cả giá trị vốn hóa thị trường của Amazon.
Ảnh hưởng có thể lây lan qua một số kênh đến các tài sản khác, trong đó kênh đầu tiên là các đòn bẩy tài chính. Có đến 90% số tiền đầu tư vào Bitcoin được chi cho các công cụ phái sinh như giao dịch hoán đổi “vĩnh viễn” (perpetual swaps). Hầu hết chúng được giao dịch trên các sàn giao dịch không được kiểm soát, chẳng hạn như FTX và Binance, ở đó khách hàng có thể vay số tiền lớn để đặt cược.
Từ đó, bất kỳ biến động nhỏ nào cũng có thể kích hoạt các lệnh gọi ký quỹ (margin call), và khi chúng không được đáp ứng, các sàn giao dịch sẽ nhanh chóng thanh lý tài sản của khách hàng, khiến giá tiền mã hóa giảm. Các sàn giao dịch sẽ phải gánh khoản lỗ lớn do nợ không trả được.
Kênh thứ hai là “stablecoin” giúp thúc đẩy các giao dịch tiền mã hóa. Do việc hoán đổi giữa đồng USD và Bitcoin thường kéo dài và tốn kém, các nhà giao dịch chọn tái đầu tư qua stablecoin. Ví dụ, do được “neo” với đồng USD, việc đổi từ Tether sang tiền mặt dễ hơn nhiều so với các đồng tiền số khác. Hai đồng stablecoin lớn nhất hiện đang là Tether và USD Coin. Trên một số nền tảng tiền điện tử, chúng là phương tiện trao đổi chính.
Các đồng stablecoin thường được gắn với rất nhiều tài sản. Vào cuối tháng 3/2021, Tether cho biết 50% tài sản của họ nằm trong thương phiếu, 12% trong các khoản vay có bảo đảm và 10% trong trái phiếu doanh nghiệp, quỹ và kim loại quý. Giá Bitcoin về 0 có thể khiến giới đầu tư phải từ bỏ stablecoin, các nhà phát hành đối mặt với rủi ro buộc phải bán đi tài sản của mình.
Sự sụp đổ của tiền mã hóa còn có thể ảnh hưởng đến tâm lý. Tuy nhiên, mức độ của điều này là không rõ ràng: nhiều người hiện đang tiếp xúc với tiền điện tử, nhưng chỉ một số ít đặt phần lớn tài sản của họ vào chúng, vì vậy tổn thất sẽ diễn ra trên diện rộng nhưng không nghiêm trọng. Điều quan trọng, các ngân hàng sẽ được miễn nhiễm bởi hầu hết sẽ trong số họ chưa vội vàng đưa Bitcoin vào bảng cân đối kế toán.
Nhìn chung, sẽ có nhiều kịch bản tiêu cực xảy ra khi giá Bitcoin về 0, tuy nhiên, đòn bẩy, stablecoin và tâm lý là những kênh lan truyền bất đắc dĩ của bất kỳ cuộc suy thoái tiền mã hóa nào, dù lớn hay nhỏ. Khi phạm vi tiền mã hóa mở rộng, khả năng gây ra gián đoạn thị trường rộng lớn hơn cũng sẽ xảy ra.
The Economist (Lược dịch)
Hoàng Anh (lược dịch)