(Tổ Quốc) - Ngưỡng để lọt top 0,001% dân số giàu nhất Việt Nam năm 2021 là 25,85 triệu đô la Mỹ (591 tỷ đồng).
Nếu xét theo tài sản trên sàn chứng khoán, thì theo thống kê vào ngày 25/3/2022, Việt Nam đang có 155 người có tài sản trị giá hơn 1.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, chưa có một thống kê chính xác nào về số lượng cá nhân sở hữu tài sản ròng trên 1.000 tỷ đồng tại Việt Nam. Con số lớn nhất được thống kê là ngưỡng để lọt top 0,001% dân số giàu nhất Việt Nam, dữ liệu được thu thập từ Cơ sở dữ liệu về Bất bình đẳng Thế giới. Năm 2021, 0,001% này sẽ có tài sản từ 25,85 triệu đô la Mỹ (591 tỷ đồng) trở lên.
Giá trị tài sản ròng là giá trị của tất cả tài sản tài chính và phi tài chính đang sở hữu trừ đi tất cả các khoản nợ chưa thanh toán. Trong đó tài sản bao gồm tiền mặt và các khoản đầu tư, bất động sản, xe ô tô hoặc bất kỳ thứ gì khác có giá trị mà bạn sở hữu.
Theo Báo cáo Thịnh vượng lần thứ 16 của Knight Frank, lượng dân số siêu giàu (UHNWI) - những người sở hữu từ 30 triệu đô la Mỹ trở lên - tại Việt Nam năm 2021 là 1.234 người, giảm 1% so với con số 1.247 của năm 2020, và số triệu phú đô la là 72.135 người.
Số người siêu giàu tại Việt Nam dự báo sẽ tăng khoảng 26% mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, đạt 1.551. Trong khi số triệu phú năm 2026 dự kiến là 114.807 người. Như vậy chỉ 4 năm nữa, cứ khoảng 850 người Việt Nam sẽ có 1 triệu phú đô la.
Cũng theo Knight Frank, loại tài sản phổ biến nhất - chiếm tới hơn 1/3 giá trị tổng tài sản của nhóm siêu giàu ở Việt Nam - là bất động sản.
Giám đốc Điều hành Knight Frank Việt Nam Alex Crane cho biết: "Chúng tôi đã và đang chứng kiến giá bán căn hộ cao cấp vượt mức 10.000 đô la Mỹ/m2 trong năm nay do nhu cầu trong nước tăng cao".
Nếu xét về tỷ phú đô la theo danh sách của Forbes, Việt Nam có 6 đại diện là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Theo dữ liệu được thu thập từ Cơ sở dữ liệu về Bất bình đẳng Thế giới, năm 2021, top 1% người giàu nhất Việt Nam chiếm tới 26,5% tài sản của cả nước, trong khi top 10% những người giàu nhất chiếm tới 59%. Trái lại, 50% những người nghèo nhất chỉ chiếm 5,6% tài sản.
Con số này gần như tương tự ở mọi nơi trên khắp thế giới, 10% những người giàu nhất kiểm soát tới 60-80% của cải. Đặc biệt, bất bình đẳng đã tăng vọt ở các nước đang phát triển. Theo nghiên cứu, sự chênh lệch giàu nghèo ở các quốc gia này hiện chiếm hơn 2/3 tỷ lệ bất bình đẳng toàn cầu. Những năm 2000, con số này chỉ là 1/2.
Theo Cơ sở dữ liệu về Bất bình đẳng Thế giới
Tài sản trung bình của những người nằm trong top 1% dân số giàu nhất năm 2021 lên tới 814.776 đô la Mỹ (tương đương 18,5 tỷ đồng), top 10% giàu nhất là 181.132 đô la Mỹ (tương đương 4,1 tỷ đồng). Trong khi, tài sản trung bình của 50% người nghèo nhất chỉ là 3.429 đô la Mỹ (gần 78 triệu đồng).
Để lọt vào top 1% dân số có tài sản lớn nhất Việt Nam, bạn cần có tài sản tối thiểu là 259.149 đô la Mỹ (gần 6 tỷ đồng), và để lọt vào top 10% thì bạn cần có tài sản tối thiểu 61.313 đô la Mỹ (gần 1,4 tỷ đồng).
Thái Quỳnh