(Tổ Quốc) - Một tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc đang nắm giữ 90% loại khoáng sản mà Việt Nam có trữ lượng đứng thứ 3 thế giới.
Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam có trữ lượng vonfram đạt khoảng 100 nghìn tấn, đứng thứ 3 thế giới. 5 quốc gia có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc (1,9 triệu tấn), Nga (400 nghìn tấn), Việt Nam (100 nghìn tấn), Tây Ban Nha (52 nghìn tấn) và Triều Tiên (29 nghìn tấn).
Hiện nay, vonfram được dùng làm vật liệu chống mài mòn, sử dụng trong các ngành công nghiệp gia công kim loại, khai thác mỏ, dầu khí và xây dựng. Đây là loại kim loại gần như không thể thay thế trong một loạt các ứng dụng công nghiệp như sản xuất máy hiệu suất cao và các hợp kim thép.
Vì vậy, vonfram còn được sử dụng trong các ngành công nghiệp như ô tô, năng lượng, xây dựng, hàng không vũ trụ cũng như các ứng dụng quân sự, hàng không và sản xuất điện.
Trên thực tế, Thái Nguyên là tỉnh đang nắm giữ 90% trữ lượng vonfram của Việt Nam. Thái Nguyên nằm trong vùng sinh khoáng Đông Bắc Việt Nam, thuộc vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với trên 200 điểm mỏ, gồm nhiều loại khoáng sản như: Vonfram, than, sắt, thiếc, chì, kẽm...
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như: mỏ vonfram đa kim trữ lượng lớn nhất cả nước và lớn thứ ba thế giới ở khu vực Núi Pháo (huyện Đại Từ); than trữ lượng khoảng 90 triệu tấn (đứng thứ hai cả nước) tập trung ở các mỏ Núi Hồng, Làng Cẩm (huyện Đại Từ), Phấn Mễ (huyện Phú Lương), Khánh Hòa (thành phố Thái Nguyên); quặng sắt trữ lượng khoảng 50 triệu tấn tập trung chủ yếu tại Trại Cau (huyện Đồng Hỷ)…
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, sản lượng vonfram từ mỏ Núi Pháo ở Thái Nguyên chiếm khoảng 33% sản lượng vonfram toàn cầu nếu không tính nguồn cung từ Trung Quốc, có quy mô lớn thứ 2 thế giới. Đây là một trong những mỏ có trữ lượng vonfram đã được nhận diện lớn nhất thế giới ở ngoài Trung Quốc, với 52,5 triệu tấn quặng WO3 phẩm cấp trung bình 0,21%.
Bên cạnh đó, mỏ Núi Pháo còn sở hữu trữ lượng bismut dồi dào. Bismut là nguyên tố không phát xạ tự nhiên nặng nhất, là kim loại quý trên Trái đất, được sử dụng trong nhiều ứng dụng công nghiệp và các sản phẩm tiêu dùng. Trữ lượng bismut tại Núi Pháo chiếm tới 40% trữ lượng trên toàn thế giới nhưng mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ. Theo thăm dò, vòng đời sản xuất của nhà máy ở Núi Pháo là 20 năm.
Mỏ Núi Pháo đang được xem như nguồn cung vonfram an toàn và đáng tin cậy cho các nhà sản xuất ô tô, máy bay… mà không có khoáng chất hay chất hóa học khác có thể thay thế.
UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, Masan High-Tech Materials đang làm chủ công nghệ tái chế Vonfram đẳng cấp, xác định tái chế là trụ cột chiến lược sẽ mang lại thành công cả về doanh thu và khẳng định vị thế hàng đầu trên thị trường vật liệu công nghệ cao toàn cầu.
Đặc biệt, trong Đại hội cổ đông của Công ty vào trung tuần tháng 4/2023, Masan High-Tech Materials cho biết sẽ xây dựng nhà máy tái chế Vonfram đầu tiên và lớn nhất châu Á tại Thái Nguyên, đồng thời đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển công nghệ tái chế Vonfram và các kim loại quý hàng đầu khu vực.
Masan High-Tech Materials khẳng định sẽ tạo ra cuộc cách mạng về năng lượng tái tạo, nguyên liệu mới, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cùng với đó, Masan High-Tech Materials luôn kiên định mục tiêu giữ vị thế là nhà cung cấp vật liệu công nghệ cao và bền vững hàng đầu thế giới.
Định hướng phát triển xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Masan High-Tech Materials phù hợp với mục tiêu phát triển của Thái Nguyên.
Theo quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2050, phấn đấu xây dựng Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.
Năm 2023, Liên đoàn thương mại công nghiệp Việt Nam VCCI và Cơ quan quốc tế Hoa Kỳ USAID lần đầu tiên công bố Báo báo chỉ số xanh cấp tỉnh. Đây được xem là một công cụ chính sách để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững tại các địa phương.
Thái Nguyên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành về chỉ số xanh. Điều này cho thấy sự quan tâm sát sao của tỉnh Thái Nguyên trong các vấn đề môi trường bên cạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Minh Tiến