Việt Nam cùng 14 quốc gia chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực

(Tổ Quốc) - Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 được tổ chức bởi Việt Nam với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020.

Sáng ngày 15/11, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các quốc gia thành viên, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết. Đây là một hiệp định thương mại tự do với sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN (Việt Nam, Brunei, Malaysia, Singapore, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan) và 5 đối tác của khối (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand).

Buổi ký kết diễn ra theo hình thức trực tuyến. Theo đó, Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN lần lượt ký kết hiệp định (theo thứ tự bảng chữ cái). Sau đó là Bộ trưởng các nước đối tác, bắt đầu Australia và kết thúc là New Zealand ký kết. Tại điểm cầu Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đại diện Việt Nam ký kết Hiệp định RCEP với sự chứng kiến của Thủ tướng.

Sau lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: "Sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán RCEP với khối lượng công việc đồ sộ, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn tốt đẹp".

Thủ tướng khẳng định, khuôn khổ hợp tác mới của Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025. Từ đó ASEAN sẽ trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.

"Tôi tin tưởng rằng, Hiệp định RCEP sẽ sớm được các nước phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, đem lại thịnh vượng chung cho người dân, cho doanh nghiệp của tất cả các nước thành viên", Thủ tướng nhấn mạnh.

Hiệp định RCEP chủ yếu mang lại lợi ích cho thương mại hàng hóa vì các nước sẽ giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Các doanh nghiệp cũng được bán cùng một mặt hàng tại tất cả các quốc gia thành viên của Hiệp định mà không cần phải thực thi các thủ tục riêng lẻ tại từng thị trường.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại Đa biên (Bộ Công thương) kết luận, Hiệp định RCEP sẽ giúp giảm hoặc xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp cũng như đặt ra quy tắc về truyền tải dữ liệu trên thị trường.

Q.L

Tin mới