(Tổ Quốc) - Hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia. 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục rót tiền vào Việt Nam trong nhiều năm qua.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2022, Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong danh sách các quốc gia có quy mô GDP danh nghĩa lớn nhất thế giới với 26.190 tỷ USD. Trong khi đó, xếp ngay sau Mỹ là Trung Quốc với GDP danh nghĩa đạt khoảng 19.240 tỷ USD.
Cùng với đó, 3 quốc gia còn lại lọt top 5 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới là: Nhật Bản (4.370 tỷ USD), Đức (4.120 tỷ USD) và Anh (3.480 tỷ USD).
5 quốc gia này liên tục rót tiền đầu tư vào Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong năm 2022, trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Nhật Bản là nền kinh tế rót nhiều tiền đầu tư vào Việt Nam nhất. Cụ thể, Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam khoảng 4,78 tỷ USD với 203 dự án cấp mới, xếp thứ 3 trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022.
Sau Nhật Bản, Trung Quốc là nền kinh tế rót tiền đầu tư xếp thứ 2 vào Việt Nam trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam khoảng 2,52 tỷ USD với 283 dự án cấp mới, xếp thứ 4 trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022.
Cùng với đó, Hoa Kỳ, Anh và Đức đầu tư vào Việt Nam lần lượt khoảng 748,17 triệu USD; 134,66 triệu USD và 117,07 triệu USD trong năm 2022. Theo đó, Hoa Kỳ, Anh và Đức xếp thứ 8, 17 và 18 trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022.
Xét về lũy kế tổng vốn đầu tư FDI đến tháng 12/2022, Nhật Bản vẫn là nền kinh tế đầu tư nhiều tiền nhất vào Việt Nam trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam đạt khoảng 68,9 tỷ USD với 4.978 dự án tính đến tháng 12/2022. Theo đó, Nhật Bản xếp thứ 3 trong các quốc gia có lũy kế tổng vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến tháng 12/2022.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư Nhật Bản. Cùng với đó, Nhật Bản đã đầu tư vào hầu hết các tỉnh, thành tại Việt Nam nhưng tập trung tại các địa phương có cơ sở hạ tầng tương đối phát triển như Hà Nội, TP. HCM, Thanh Hóa và Đồng Nai.
Bên cạnh đó, Trung Quốc là nền kinh tế có lũy kế tổng vốn đầu tư đến tháng 12/2022 vào Việt Nam xếp thứ 2 trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt khoảng 23,35 tỷ USD với 3.567 dự án tính đến tháng 12/2022. Theo đó, Trung Quốc xếp thứ 6 trong các quốc gia có lũy kế tổng vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến tháng 12/2022.
Trên thực tế, FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam. Tuy nhiên, các dự án này chủ yếu tập trung tại các tỉnh biên giới có khu kinh tế cửa khẩu, ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Trung Quốc còn rót nguồn vốn đầu tư vào liên doanh liên kết, góp vốn bằng tiền hoặc công nghệ, máy móc ở trong các doanh nghiệp Việt Nam trong đủ mọi lĩnh vực. Các dòng vốn của Trung Quốc đổ vào nhiều lĩnh vực, điển hình như dệt may, da giày, xơ sợi, nhiệt điện, khai thác khoáng sản,...
Cùng với đó, Hoa Kỳ, Anh và Đức có lũy kế tổng vốn đầu tư vào Việt Nam đạt lần lượt khoảng 11,41 tỷ USD; 4,19 tỷ USD và 2,37 tỷ USD tính đến tháng 12/2022. Theo đó, Hoa Kỳ, Anh và Đức xếp lần lượt là 11, 15 và 18 trong các quốc gia có lũy kế tổng vốn đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam tính đến tháng 12/2022.
Minh Tiến