(Tổ Quốc) - Theo số liệu của Credit Suisse, vào năm 2022, số lượng cá nhân thuộc nhóm có tài sản ròng trên 50 triệu USD (Ultra-High-net-worth individuals/UHNWI) trên toàn thế giới hiện là 243.062 người.
Theo báo cáo mới nhất của ngân hàng Thuỵ Sỹ Credit Suisse về tài sản toàn cầu (Global Wealth Report 2023), tổng tài sản ròng cá nhân trên thế giới đã giảm 2,4%, từ 11,3 nghìn tỷ USD còn 454,4 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2022. Báo cáo đánh giá, phần lớn sự sụt giảm này đến từ việc đồng đô la Mỹ tăng giá so với nhiều đồng tiền khác.
Được biết, dữ liệu của báo cáo năm nay được đánh giá dựa trên tài sản ước tính của 5,4 tỷ người trưởng thành trên khắp 164 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thuộc tất cả các nhóm khác nhau trên thang tài sản.
Nếu xét theo tiêu chí giá trị tài sản của một người trưởng thành, báo cáo cho biết, tài sản của mỗi người trưởng thành cũng giảm 3.198 USD (–3,6%) xuống còn 84.718 USD/người vào cuối năm 2022.
Xét theo khu vực, theo Credit Suisse, các quốc gia có mức giàu có trên mỗi người trưởng thành cao (trên 100.000 USD) tập trung ở Bắc Mỹ và Tây Âu, một số khu vực ở Đông Á, Thái Bình Dương, Trung Đông và Caribbean.
Nhóm các quốc gia có mức độ "giàu có trung bình", với giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành dao động trong khoảng 25.000–100.000 USD bao gồm Trung Quốc, Nga, các thành viên mới của Liên minh châu Âu và các nền kinh tế thị trường mới nổi quan trọng ở Mỹ Latin, Trung Đông và Đông Á.
Không chỉ đưa ra các con số về giá trị tài sản bình quân phân theo từng quốc gia, vùng lãnh thổ, báo cáo của Credit Suisse còn đưa ra số liệu cụ thể về số lượng cá nhân có giá trị tải sản ròng cao và cực cao.
Cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (High-net-worth individuals/HNWI) là một người hoặc gia đình có tài sản lưu động trong khoảng 1-50 triệu USD. Trong khi đó, Cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao (Ultra-high net-worth individual) được định nghĩa là những người có tài sản ròng từ 50 triệu USD trở lên, thường không bao gồm tài sản cá nhân và tài sản như nhà ở chính, đồ sưu tập và đồ dùng tiêu dùng.
Vào cuối năm 2022, báo cáo ước tính, số lượng cá nhân thuộc nhóm có tài sản ròng trên 50 triệu USD (Ultra-High-net-worth individuals/UHNWI) trên toàn thế giới hiện là 243.062 người. Trong số các thị trường riêng lẻ, Hoa Kỳ dẫn đầu với 51% người trưởng thành thuộc tầng lớp UHNWI. Trung Quốc đứng thứ hai với 14% người thuộc nhóm UHNWI.
Đối với Việt Nam, báo cáo cho hay, Việt Nam thuộc nhóm "cận giàu có", với giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành dao động trong khoảng từ 5.000–25.000 USD/người, cùng nhóm với các nền kinh tế đang phát triển khác như Lào và Campuchia.
Cụ thể, giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành ở Việt Nam đạt 14.569 USD vào năm 2022. Trong khi đó, vào năm 2000, con số này chỉ đạt khoảng 1.595 USD. Có thể thấy, giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành ở Việt Nam đã tăng gấp 9 lần trong vòng 22 năm.
Nếu xét riêng tài sản của giới siêu giàu, số lượng cá nhân ở Việt Nam có tài sản ròng trên 50 triệu USD trong năm 2022 là 209 người. Trong đó, số cá nhân có giá trị tài sản ròng từ 50 triệu USD – 100 triệu USD là 119 người; từ 100-500 triệu USD là 77 người và trên 500 triệu USD là 13 người.
Hoàng Nguyễn