(Tổ Quốc) - Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech. Nikkei đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm thị trường Fintech cạnh tranh nhất châu Á, đặc biệt là Fintech của những hãng nội địa.
Fintech là viết tắt của từ Financial Technology (công nghệ tài chính), được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng Internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.
Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech. Thị trường Fintech Việt Nam cũng không ngoại lệ, thậm chí còn đứng trước một thời kỳ phát triển nhanh và trên đà lớn mạnh.
Theo Nikkei, Việt Nam thuộc nhóm thị trường Fintech cạnh tranh nhất châu Á, đặc biệt là Fintech của những hãng nội địa. Một số đơn vị, tổ chức công nghệ tài chính “tên tuổi” trên thị trường Fintech ở Việt Nam có thể kể đến như: VNPay, Zalo Pay, Fiin Credit, Momo,…
Ngoài ra, một cuộc khảo sát của Meta và Bain & Company chỉ ra rằng, Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường đứng đầu về tỷ lệ đón nhận các công nghệ tương lai như công nghệ tài chính (Fintech), bên cạnh Indonesia và Philippines. 58% người tiêu dùng số tại Việt Nam đã sử dụng các giải pháp Fintech (ngân hàng trực tuyến, ví điện tử, ứng dụng chuyển tiền...) trong năm qua.
Các công ty Fintech được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là các công ty phục vụ người tiêu dùng, cung cấp các công cụ kỹ thuật số để cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho các startup. Nhóm còn lại là các công ty thuộc dạng “back-office” hỗ trợ công nghệ cho các định chế tài chính.
Công nghệ tài chính Fintech hiện đang cung cấp các dịch vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ ngân hàng, thanh toán, quản lý tài chính, các loại tiền kỹ thuật số… với các sản phẩm đa dạng như: Ví điện tử; Công nghệ sổ cái phân tán trên nền tảng blockchain; Thương mại trực tuyến; B2C và mPOS
Số lượng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam luôn tăng trưởng mỗi năm, từ 39 công ty (năm 2015) lên 44 công ty (năm 2017) và 124 công ty (năm 2019) (Vietnam Fintech Report 2020). Trong giai đoạn 2017 - 2020, số lượng những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam tăng hơn 179%. Trong đó, dịch vụ thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 31% số lượng các công ty khởi nghiệp Fintech; tiếp đến là P2P lending (17%), blockchain (13%), POS (7,5%), quản lý tài sản (7,5%...).
Trong khi các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán của Việt Nam tiếp tục phát triển và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) và không gian tiền điện tử/blockchain là hai phân khúc có mức tăng trưởng mạnh nhất. Hai dịch vụ này có số lượng công ty khởi nghiệp tăng từ ít hơn 5 vào năm 2017 lên hơn 15 công ty khởi nghiệp trong năm 2020. Việt Nam hiện có hơn 39 nhà cung cấp dịch vụ phi ngân hàng được cấp phép, với 5 ví điện tử lớn nhất là MoMo, Payoo, Moca, Zalo Pay và ViettelPay.
Để có được những kết quả này, các chính sách, hỗ trợ của Chính phủ cũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy thị trường Fintech phát triển sôi động. Năm 2016, Chính phủ đã thành lập Cơ quan Phát triển thương mại và Kinh doanh công nghệ Quốc gia (NATEC) nhằm cung cấp đào tạo, cố vấn, ươm tạo doanh nghiệp và hỗ trợ tài chính cho các công ty khởi nghiệp công nghệ mới.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có nhiều chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp công nghệ thông tin. Theo đó, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10% (thay vì 20% như các doanh nghiệp khác) trong 15 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định và phục vụ sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của doanh nghiệp…
Ngoài ra, mỗi khu công nghệ thông tin tập trung, doanh nghiệp có thể được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của từng địa phương như hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm công nghệ thông tin…
Fintech đang có những bước phát triển nhanh và mạnh, đồng thời cho thấy áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2017 cả nước mới có khoảng 74 công ty Fintech cạnh tranh trên thị trường, thì đến cuối năm 2019 số lượng các công ty Fintech đã tăng lên gần 140 công ty. Tuy nhiên, số lượng công ty Fintech tại Việt Nam vẫn chưa bắt kịp được với các nước ASEAN khác khi tính đến cuối năm 2019, Singapore có 1.157 công ty Fintech; Indonesia 511 công ty; Malaysia 376 công ty, Thái Lan 216 công ty… (Fintech Singapore, 2020).
Rào cản, thách thức đối với thị trường Fintech Việt Nam
Mặc dù thị trường Fintech Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều rào cản, thách thức đối với thị trường này.
Cơ chế pháp lý
Hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có những công ty Fintech quy mô lớn, chưa có các chính sách thuế ưu đãi đối với nhà đầu tư thiên thần và đầu tư mạo hiểm như một số trung tâm Fintech trên thế giới. Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách liên quan đến việc hỗ trợ phát triển Fintech thông qua các chương trình, đề án, tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực này chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng và hoàn thiện, chủ yếu là một số đề án mang tính vĩ mô.
Tại Việt Nam, hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm/dịch vụ; mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech; bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân.
Điều kiện hạ tầng công nghệ
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, mặc dù có nguồn lao động trẻ thuận lợi trong việc tiếp cận với lĩnh vực mới, song nền kinh tế chưa thực sự phát triển nên cơ sở hạ tầng công nghệ vẫn còn gặp nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ bảo mật. Thêm vào đó, người sử dụng hệ thống chưa có ý thức bảo mật thông tin cá nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của những người tham gia vào hoạt động Fintech.
Nguồn nhân lực
Yếu tố con người là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc phát triển thị trường Fintech. Tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực trong lĩnh vực Fintech đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Theo kết quả điều tra của Viện Nhân lực Ngân hàng (Vietnambanker), tại Việt Nam, nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn về tài chính ngân hàng chiếm số lượng rất lớn (trên 90%) nhưng kỹ năng về công nghệ thông tin (IT) rất kém và kỹ năng về ngoại ngữ cũng không thành thạo. Các kỹ sư công nghệ thường giỏi về IT nhưng không có kiến thức chuyên sâu về tài chính, do vậy việc lập trình ứng dụng cho các sản phẩm, dịch vụ Fintech sẽ gặp nhiều trở ngại.
Yếu tố khách hàng của thị trường Fintech
Khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Fintech vẫn chưa ý thức được việc bảo mật thông tin cá nhân như họ tên, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, số tài khoản… Vấn đề này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có thể ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của những người tham gia vào hoạt động Fintech.
Bên cạnh đó, phần lớn người dân sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn chưa quen với các khái niệm công nghệ như ví điện tử, tiền điện tử, thẻ ngân hàng hay đơn giản như tài khoản ngân hàng. Các ví điện tử chỉ có thể được sử dụng khi được kết nối với các tài khoản ngân hàng sẵn có của người dùng.
Để Fintech có thể phát triển đúng hướng, các tiêu chuẩn, quy định về vấn đề chia sẻ và bảo mật dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng, dịch vụ tài chính xuyên biên giới, an toàn hệ thống tài chính… cần được sớm ban hành. Bên cạnh đó, cần tăng cường trao đổi, phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm nâng cao chất lượng quản lý, giám sát những lĩnh vực mới, hoàn thiện thể chế, bộ máy quản lý Fintech (có bộ phận đầu mối, quản lý thống nhất…).
Mặt khác, các quy định về liên kết, hệ sinh thái giữa ngân hàng, công ty Fintech, công ty công nghệ thông tin lớn, bên thứ 3 và các chuỗi cửa hàng, trang thương mại điện tử… cũng cần sớm được xây dựng. Đặc biệt, cần có các quy định về yêu cầu vốn, công nghệ, chuẩn mực hoạt động và quản lý rủi ro đối với các công ty muốn tham gia vào thị trường Fintech.
Với việc Chính phủ đang thực hiện nghiên cứu các bước phát triển mới, bao gồm các khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới và các hướng dẫn quy định mới, đặc biệt là trong lĩnh vực P2P Lending với nhiều sáng kiến khác nhau, lĩnh vực Fintech Việt Nam trong những năm tới hứa hẹn sẽ là thị trường giàu tiềm năng và cạnh tranh khốc liệt.
(*) Yuric A. Hannart - Chuyên gia về chiến lược kinh doanh cho các công ty tài chính ở Silicon Valley như Openbucks, Rev Worldwide và Palm.
Yuric A. Hannart (*)