(Tổ Quốc) - Ngày 7/12, tại hội nghị thương mại tổ chức tại TP HCM, các đại biểu nhận định cam kết cải cách thương mại đã giúp Việt Nam có được vị trí thuận lợi để tận dụng nền kinh tế toàn cầu đang hồi sinh sau đại dịch.
Hội nghị do Tổng cục Hải quan Việt Nam - Bộ Tài chính và Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ (Dự án USAID TFP) đồng tổ chức, quy tụ hơn 200 đại diện từ các bộ, ngành, hiệp hội thương mại và cộng đồng doanh nghiệp để xem xét các biện pháp tạo thuận lợi thương mại gần đây và đưa ra lộ trình cải cách tiếp theo.
Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và Phó Giám đốc USAID Việt Nam, ông Bradley Bessire, hội nghị nhấn mạnh sự hỗ trợ của Mỹ đối với các nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam. Kể từ năm 2018, Dự án USAID TFP đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Việt Nam, tập trung vào việc hợp lý hóa các hoạt động kiểm tra chuyên ngành -một thủ tục xuất nhập khẩu thiết yếu nhằm đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: “Hỗ trợ của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ là kịp thời hơn bao giờ hết, đặc biệt liên quan đến việc Việt Nam thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO. Dự án đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách hành chính và pháp lý hiệu quả thông qua nhiều hoạt động, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật để áp dụng quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan, nâng cao năng lực và phát triển quan hệ đối tác công-tư hiệu quả".
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, các thủ tục xuất nhập khẩu rườm rà vẫn là một rào cản lớn đối với thương mại. Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ trong 5 năm, từ 2018 - 2023 đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam vượt qua những rào cản này.
Dự án phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan để xây dựng một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Những cải cách này đang hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh tiến độ thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới, giúp các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam thuận lợi hơn với chi phí hợp lý hơn. Khung pháp lý là nền tảng cho tạo thuận lợi thương mại. Cùng với Tổng cục Hải quan và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ đã và đang hỗ trợ cải cách pháp lý và thể chế, đặc biệt chú trọng tới cải cách kiểm tra chuyên ngành.
Cam kết cải cách của Chính phủ Việt Nam được minh chứng bằng các kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam đang trên đà thực hiện các cam kết trong hiệp định TFA của WTO trước thời hạn, dự kiến sẽ tuân thủ đầy đủ vào cuối năm 2024. Tính đến đầu năm 2020, số lượng hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành đã giảm 12.600 (15%).
Ông Bradley Bessire, Phó Giám đốc USAID Việt Nam chia sẻ trong suốt hai thập kỷ qua, USAID đã hỗ trợ Việt Nam phát triển mội trường kinh doanh hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Những nỗ lực chung này đã giúp các thương nhân tiết kiệm thời gian và tiền bạc, tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Sự tham gia của khối doanh nghiệp đã và đang giữ vai trò quan trọng để tiếp nối những thành công. USAID trông đợi sẽ có thêm nhiều sự chung tay mạnh mẽ để tiếp tục nguồn động lực này
Do hội nghị tập trung vào các vấn đề tương lai, các đại biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại công-tư như một động lực cải cách thương mại. Với hơn 830.000 doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 43% GDP của Việt Nam, các nền tảng tăng cường đối thoại giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng.
USAID – thông qua Dự án Tạo thuận lợi Thương mại – đã và đang hỗ trợ sự tham gia của khu vực tư nhân, cung cấp một loạt các nền tảng để phối hợp và đối thoại. Điều này bao gồm các cuộc họp thường kỳ với khu vực tư nhân về Tạo thuận lợi Thương mại- nơi đại diện của các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân có thể chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, thảo luận về các nỗ lực tạo thuận lợi thương mại và đưa ra các khuyến nghị cải cách.
Dy Khoa