(Tổ Quốc) - Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 (The World Happiness Report), chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc so với năm 2022.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới là một ấn phẩm do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc thực hiện. Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 đưa ra xếp hạng về mức độ hạnh phúc của hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, dựa trên kết quả đánh giá trung bình của 3 năm từ 2020 đến 2022.
Các yếu tố được báo cáo đưa ra xem xét bao gồm GDP bình quân đầu người, trợ cấp xã hội, số năm sống khỏe mạnh, sự tự do để ra quyết định, độ hào phóng và mức độ nhận thức về tham nhũng.
Năm 2023, Phần Lan tiếp tục là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới và đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp quốc gia Bắc Âu này đứng đầu bảng xếp hạng.
Theo các chuyên gia, dù điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng người dân Phần Lan vẫn hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống. Một trong những nguyên nhân chính là do Phần Lan thiết lập được giải pháp giúp cuộc sống của người dân bớt căng thẳng, ví dụ áp dụng chính sách giáo dục miễn phí, thời gian nghỉ làm kéo dài và có bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.
Ngoài Phần Lan, các nước Bắc Âu khác cũng giành được thứ hạng cao trong năm nay, cụ thể là Đan Mạch (hạng 2), Iceland (hạng 3), Hà Lan (hạng 5), Thụy Điển (hạng 6), Na Uy (hạng 7) và Thụy Sĩ (hạng 8).
Nhìn chung, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 đưa ra những dấu hiệu lạc quan về hạnh phúc thế giới trong năm qua.
Hạnh phúc toàn cầu đã không bị ảnh hưởng trong ba năm xảy ra đại dịch COVID-19. Chỉ số lòng nhân từ cao hơn khoảng 25% so với trước đại dịch. Theo John Helliwell, một trong những tác giả của báo cáo, lòng nhân từ với người khác, đặc biệt là việc giúp đỡ người lạ, đã tăng lên đáng kể vào năm 2021 và duy trì ở mức cao vào năm 2022.
Kể từ năm 2013, Liên Hợp Quốc đã kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc để công nhận tầm quan trọng của hạnh phúc trong cuộc sống của mọi người dân trên khắp thế giới.
Hạnh phúc là mục tiêu cơ bản của con người. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã công nhận mục tiêu này và kêu gọi "cách tiếp cận toàn diện, công bằng và cân bằng hơn đối với tăng trưởng kinh tế nhằm thúc đẩy hạnh phúc và phúc lợi của tất cả mọi người".
Trong các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, Singapore là quốc gia có điểm số hạnh phúc cao nhất. Cụ thể, điểm hạnh phúc của Singapore đạt 6,6; xếp thứ 25 trên thế giới.
Sau Singapore, Malaysia có điểm số hạnh phúc đạt 6, xếp thứ 55 trên thế giới. Thái Lan đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, có điểm số hạnh phúc đạt 5,8; xếp thứ 60 trên thế giới. Còn Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 65 trên thế giới với điểm số hạnh phúc đạt 5,8. Theo đó, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022, lên vị trí 65.
Theo báo cáo, GDP bình quân đầu người tại Việt Nam năm 2022 đã đạt 4.110 USD, tăng gần 400 USD so với năm 2021. Tuổi thọ trung bình của người dân là 73,6 tuổi, cao hơn mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á.
Những tiêu chí khác như hỗ trợ xã hội, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức xã hội về tham nhũng của Việt Nam được đánh giá ngày càng tích cực.
Mặt khác, Việt Nam được xếp hạng cao về bình đẳng khi mà khoảng cách giữa một nửa dân số cảm thấy hạnh phúc hơn và nửa dân số ít hạnh phúc hơn rất nhỏ. Ở tiêu chí này, Việt Nam là nước châu Á duy nhất lọt vào top 20 thế giới.
Philippines, Indonesia, Lào, Campuchia và Myanmar có điểm số hạnh phúc đạt lần lượt là 5,5; 5,3; 5,1; 4,4 và 4,4. Như vậy, chỉ số hạnh phúc của Philippines, Indonesia, Lào, Campuchia và Myanmar xếp lần lượt là 76, 83, 89, 115 và 117 trên thế giới.
Minh Tiến