(Tổ Quốc) - Để lọt được vào danh sách này, các công ty niêm yết được đánh giá qua nhiều bước. Forbes Việt Nam cho biết, ở vòng sơ loại, các công ty cần đáp ứng các điều kiện: có lợi nhuận trong năm tài chính 2020, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỉ đồng.
Ở vòng kế tiếp, các công ty được tính toán chấm điểm định lượng trên các tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2016— 2020. Tiếp theo, Forbes Việt Nam thực hiện điều tra định tính để đánh giá mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: vị thế công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị doanh nghiệp, triển vọng phát triển ngành…Vốn hóa các công ty được chốt vào thời điểm cuối tháng 5.2021.
Dữ liệu Forbes Việt Nam ghi nhận những kỷ lục mới, gồm tổng doanh thu của 50 công ty tốt nhất đạt hơn 1.219 nghìn tỷ đồng - tăng 8,7% so với 50 công ty trong danh sách xếp hạng 2020, nhưng tổng lợi nhuận sau thuế của 50 công ty tăng đến 26%, lên 174.482 tỷ đồng. Tổng vốn hóa 50 công ty đạt đến 145 tỷ đô la Mỹ (gần 3.360 nghìn tỷ đồng), tăng đến 78% so với tổng vốn hóa 50 công ty năm 2020.
Trong danh sách thường niên lần thứ 9 được Forbes Việt Nam bình chọn, 50 công ty tốt nhất năm 2021 phần lớn đã xác lập được vị thế cạnh tranh trên thị trường, không chỉ dẫn đầu trong lĩnh vực hoạt động của mình mà trong cả nền kinh tế.
Nổi bật nhất phải kể đến vẫn là các công ty thuộc ngành Bất Động Sản, Chứng Khoán và Ngân Hàng. Có 8 doanh nghiệp quay lại danh sách và 11 công ty lần đầu có mặt. Ngành du lịch và hàng không bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, do đó các đại diện hàng không, dịch vụ tiếp tục vắng mặt trong danh sách năm nay.
Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam Vinaconex (HOSE: VCG) lần đầu tiên lọt vào Top 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2021 do Tạp chí Forbes bình chọn.
Theo nhận định của Forbes Việt Nam, đặt trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam cũng bị suy giảm sức mua, kết quả như vậy phần nào thể hiện khả năng chống chịu, xoay trở của các doanh nghiệp.
Báo cáo hợp nhất năm 2020 của Vinaconex ghi nhận 5.551 tỷ đồng doanh thu và 1.605 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ, cao gấp 2,3 lần so với năm trước, cho thấy nội lực mạnh mẽ của tổng công ty trước tác động của đại dịch.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Tổng công ty ghi nhận doanh thu 3.610 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 535 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của Vinaconex đạt 30.840 tỷ, tăng 57% so với đầu năm và tăng nhẹ hơn 2% so với cuối quý 2. Vốn chủ sở hữu là 7.608 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.043 tỷ đồng.
Tiền thân là Tổng công ty Cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước. Vinaconex nằm trong top những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp có mức vốn hóa thị trường cao nhất. Sau quá trình tái cơ cấu vốn chủ sở hữu, hiện doanh nghiệp đang tập trung nguồn lực vào 3 lĩnh vực chính là xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính. Vinaconex cũng đang sở hữu khối lượng tài sản lớn, tích lũy sau nhiều năm hoạt động trên thị trường.
Mới đây, cổ phiếu VCG của Vinaconex cũng đã thiết lập mức đỉnh lịch sử 53.000 đồng/cp, ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 01/12.
Doanh thu và lợi nhuận của 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2021
Ánh Dương