(Tổ Quốc) - Theo Vndirect, lợi nhuận của AST sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng từ năm 2022 trở đi khi ngành hàng không Việt Nam phục hồi.
CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs - AST) là doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay lớn nhất Việt Nam với 108 cửa hàng phủ khắp các sân bay lớn, chủ yếu ở sân bay Nội Bài và Đà Nẵng, bao gồm: bách hóa lưu niệm, F&B, hàng miễn thuế, phòng chờ thương gia, dịch vụ viễn thông & vận tải, đặt tour du lịch và khách sạn.
Ngoài ra, công ty còn sở hữu khách sạn 4 sao A La Carte với 202 phòng tọa lạc tại bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng, một trong những bãi biển nổi tiếng nhất Việt Nam.
Theo báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Vndirect (mã CK: VND), chuyên gia Vndirect kỳ vọng doanh thu của AST sẽ tăng 363,2% trong năm 2022 và tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CARG) đạt 47,9% trong giai đoạn 2023 - 2025.
Đối với mảng bán lẻ sân bay, với nỗ lực mở rộng chuỗi bán lẻ chuyên gia kỳ vọng doanh thu bán lẻ của AST sẽ tăng 413,6% trong năm 2022 và CAGR ở mức 53% trong năm 2023 - 2025.
Trong đó, doanh thu của các cửa hàng lưu niệm có thể tăng 724% so với cùng kỳ trong năm 2022 từ mức thấp của năm 2021, và sau đó có thể tăng với CAGR là 66,1% cho đến năm 2025 nhờ mối tương quan cao với tốc độ tăng trưởng lưu lượng khách quốc tế.
Số lượng cửa hàng F&B có thể tăng nhẹ từ 27 cửa hàng trong năm 2021 lên 34 cửa hàng trong năm 2025 do các sân bay tại Phú Quốc, Cam Ranh, Vân Đồn, Phú Bài vẫn còn dư địa để mở rộng phân khúc này. Doanh thu của các cửa hàng F&B có thể tăng 209% svck trong năm 2022 và sau đó CAGR tăng 29,9% đến năm 2025.
Vndirect kỳ vọng AST có thể mở thêm 4 cửa hàng miễn thuế tại Phú Quốc và Cam Ranh cho đến năm 2025, nâng số cửa hàng miễn thuế từ 9 cửa hàng trong năm 2021 lên 13 trong năm 2025. Doanh thu từ mảng bán lẻ hàng miễn thuế của AST có thể tăng 455% trong năm 2022 và sau đó tăng trưởng CAGR 78,1% cho đến 2025.
Vndirect cũng dự kiến AST sẽ mở thêm 2 phòng chờ tại các sân bay lớn cho đến năm 2025. Doanh thu của mảng kinh doanh phòng chờ Vip có thể tăng 359% trong năm 2022 và sau đó CAGR có thể tăng là 33,0% cho đến năm 2025 do sự phục hồi của lượng khách nội địa.
Đối với phân khúc khách sạn, doanh thu khách sạn của AST có thể tăng 359% trong năm 2022 và CAGR tăng 20,9% trong năm 2023 - 2025 với tỷ lệ lấp đầy tăng lên 45% trong năm 2022 và đạt 75% trong năm 2025.
Đối với dịch vụ ăn uống, lỗ ròng của VINACS phân bổ cho AST có thể giảm xuống còn 0,8 tỷ đồng trong năm 2022 từ mức lỗ ròng 22 tỷ đồng trong năm 2021 và LN ròng có thể đạt 32 tỷ đồng trong năm 2025, chiếm 9,3% LNST năm 2025 của AST.
Bên cạnh doanh thu, Vndirect kỳ vọng lợi nhuận ròng của AST sẽ phục hồi lên 29 tỷ đồng trong năm 2022 từ mức lỗ ròng 118 tỷ đồng trong năm 2021 và có thể tăng trưởng kép 127,2% trong năm 2023 - 2025.
Hoạt động hàng không phục hồi
Với việc cải thiện tiêm chủng, hoạt động hàng không nội địa của Việt Nam đã dần khôi phục trong Q4/21 và hoạt động bình thường trở lại kể từ năm 2022. Nhu cầu về hoạt động hàng không nội địa đã tăng mạnh từ nửa cuối tháng 1 (22/1), kết thúc quý 1/2022, thị trường nội địa đã phục hồi về mức 87% trước đại dịch (quý 1/2019).
Chuyên gia Vndirect kỳ vọng thị trường nội địa sẽ tăng 137% so với cùng kỳ trong năm 2022 khi đất nước đang bước vào giai đoạn "bình thường mới" với nhu cầu đi lại phục hồi. Theo ước tính của Vndirect, thị trường nội địa Việt Nam có thể vượt mức trước đại dịch trong năm 2022 (103% so với năm 2019) và có thể đạt tới 139,5% mức trước đại dịch trong năm 2025.
Ngày 15/03/2022, Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn đường hàng không quốc tế, trong đó số lượng đường bay thường lệ gần như đã trở lại mức trước đại dịch (90%). Trong quý 1/2022, sản lượng khách quốc tế đã tăng 176,2% so với cùng kỳ lên 321.000 khách và đạt mức 4,7% trước đại dịch (quý 1/2019).
Trong kịch bản cơ sở, Vndirect kỳ vọng sản lượng khách quốc tế Việt Nam sẽ đạt 12,2 triệu khách trong năm 2022 (so với 0,5 triệu khách trong năm 2021), và có thể tăng 222,5% trong năm 2023 và phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch trong năm 2024.
Huyền Trang