(Tổ Quốc) - Các chuyên gia VNDirect kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ từ điện khí sẽ hỗ trợ cho kết quả kinh doanh năm 2022 của POW.
Theo một báo cáo mới đây của VNDirect, quý 1/2022, sản lượng điện của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã CK: POW) giảm 21% so với cùng kỳ đạt 3.661 triệu kWh do sản lượng điện than giảm mạnh vì sự cố Vũng Áng 1. Cụ thể, do sự cố tổ máy 1 từ quý 4 năm ngoái nên Vũng Áng 1 ghi nhận mức giảm sản lượng 56% cùng kỳ, đạt 833 triệu kWh.
Tuy nhiên, sản lượng điện khí lại ghi nhận phục hồi từ mức sản lượng rất thấp trong quý 3 và 4 năm 2021 đạt 2.496tr kWh (tăng 2% so với cùng kỳ) nhờ nhu cầu điện phục hồi và đạt 7,8% cùng kỳ trong quý, giá bán điện toàn phần trên thị trường điện cạnh tranh (CGM) đạt 1.760đ/kWh với tỉ trọng điện huy động điện khí lớn hơn và tình trạng thiếu than phần nào hỗ trợ điện khí được huy động thêm, bù đắp thiếu điện than.
Thủy điện cũng tăng trưởng mạnh nhờ điều kiện thời tiết lý tưởng, Pha La Nina tiếp tục duy trì trong quý cùng với thiếu hụt điện than là nguyên nhân cộng hưởng cho mức huy động cao từ thủy điện.
Sản lượng giảm tới 21% nhưng doanh thu POW chỉ giảm 8% do bù đắp từ giá bán điện bình quân tăng 17% so với cùng kỳ lên mức 1.928đ/kWh với ghi nhận giá bán tăng từ tất cả các mảng năng lượng. Giá điện khí bình quân tăng, đạt 2.018đ/kWh. Giá bán điện than tăng 10% đạt 1.695đ/kWh. Giá bán thủy điện cũng tăng nhẹ 6,4% đạt 1.228đ/kWh.
Theo báo cáo, biên lợi nhuận gộp POW tăng 3,1% do công ty không còn ghi nhận doanh thu từ các mảng biên thấp sau khi thoái vốn PVMachino, giúp lợi nhuận gộp tăng 17,3% lên 1.027 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng giảm 31,9% nhờ nợ vay ngắn hạn giảm 32%. Do đó, lợi nhuận ròng POW trong quý 1 ghi nhận tăng 41,9% đạt 721 tỷ đồng.
Triển vọng kinh doanh giai đoạn 2022 - 2024
Với dự báo nhu cầu điện phục hồi mạnh mẽ trong 2022, và Việt Nam có thể bước vào giai đoạn thiếu điện cục bộ, chuyên gia VNDirect tin rằng điện khí có nhiều dư địa tăng trưởng sau khi trải qua mức nền sản lượng thấp năm 2021.
Các chuyên gia VNDirect kỳ vọng sản lượng điện khí sẽ phục hồi 28,9% trong năm 2022 và 11,2% trong năm 2023. Từ năm 2024, chuyên gia dự báo sản lượng điện khí sẽ tiếp tục tăng mạnh 37,5% nhờ sự đóng góp của Nhơn Trạch 3 đi vào hoạt động.
Sản lượng thủy điện được kỳ vọng sẽ tiếp tục ghi nhận một con số tích cực giống năm ngoái do pha La Nina dự kiến kéo dài đến hết 2022 và bắt đầu giảm từ 2023 - 2024 khi bước ra khỏi điều kiện thời tiết lý tưởng.
Về điện than, sự cố tổ máy 1 Vũng Áng 1 là nguyên nhân chính cho mức giảm sản lượng của POW với tình trạng thiếu than là nguyên do cộng hưởng. Do đó, sản lượng điện than dự báo giảm 24,5% so với cùng kỳ và sẽ phục hồi mạnh trở lại trong giai đoạn 2023 - 2024 với mức tăng lần lượt đạt 37,5%và 3,6%.
Do đó, mảng điện khí kỳ vọng sẽ bù đắp cho những tổn thất điện than trong năm 2022, doanh thu dự kiến tăng 13,4% cùng kỳ đạt 30.592 tỷ đồng trong năm và tiếp tục đạt 34.662 tỷ đồng khi các nhà máy hoạt động hết công suất trở lại trong 2023. Lợi nhuận ròng dự kiến lần lượt tăng 31,1% và 17,8% trong 2022, 2023, đạt lần lượt 2.332 tỷ đồng và 2.749 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, POW đang tiến hành thoái vốn CTCP Điện Việt Lào, dự kiến ghi nhận lợi nhuận bất thường 308 tỷ và theo kế hoạch sẽ hoàn thành thủ tục trong quý 2 năm nay. Doanh nghiệp cũng có lộ trình thoái vốn dần các công ty con, tiếp theo là CTCP EVN Quốc tế, cùng với khoản bồi thường bảo hiểm cho Vũng Áng 1.
Huyền Trang