(Tổ Quốc) - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo đã rút vốn thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn quốc tế trị giá 600 triệu USD, kỳ hạn 3 năm.
Khoản vay được đồng thu xếp và bảo lãnh phát hành toàn bộ bởi Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và Maybank Securities Pte (Maybank). Các bên tham gia cho vay bao gồm SMBC, Maybank, Cathay United Bank, CTBC Bank và State Bank of India.
Việc huy động thành công một khoản vay lớn trong khoảng thời gian ngắn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động mạnh vừa qua là lời khẳng định uy tín VPBank đang ngày càng được nhiều đối tác nước ngoài đánh giá rất cao trên trường quốc tế. Cuối năm 2021, VPBank cũng đã được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s Investors Service nâng mức đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) từ B1 lên Ba3, ngang với xếp hạng quốc gia Moody’s dành cho Việt Nam, với triển vọng tích cực.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến nửa năm, VPBank đã nhận được ba khoản vay hợp vốn quốc tế cùng được tham gia thu xếp bởi ngân hàng SMBC của Nhật Bản. Trước đó, cuối năm 2021, VPBank đã liên tiếp hai lần huy động thành công các khoản vay hợp vốn có tổng trị giá 300 triệu USD.
Trong kế hoạch kinh doanh 2022, VPBank kỳ vọng vào mức tăng trưởng tín dụng cao dựa trên sự phục hồi kinh tế đang ngày càng rõ nét, và các kết quả kinh doanh khả quan của phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quý 1. Trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 10,3%, gấp đôi mức trung bình ngành.
Khoản vay 600 triệu USD nằm trong kế hoạch huy động vốn từ đầu năm của ngân hàng. Theo đó, VPBank sẽ có thêm nguồn lực quan trọng để củng cố nền tảng vốn, tăng trưởng bền vững và tiếp tục cung ứng các giải pháp hỗ trợ giúp khách hàng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Trong kế hoạch kinh doanh 2022, VPBank kỳ vọng vào mức tăng trưởng tín dụng cao dựa trên sự phục hồi kinh tế đang ngày càng rõ nét, và các kết quả kinh doanh khả quan của phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quý 1.
Kết thúc quý I/2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất đạt trên 11.146 tỷ, tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VPBank ghi nhận được từ trước đến nay, góp phần đưa vốn chủ sở hữu của ngân hàng vượt lên trên 95 nghìn tỷ đồng và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo thông tư 41 đạt trên 15%.
Trong ba tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chất lượng tại ngân hàng riêng lẻ đạt 10,3%, tăng gấp đôi mức trung bình ngành, với sự đóng góp chủ yếu từ các phân khúc chiến lược.
Quang Hưng