(Tổ Quốc) - Thế hệ Gen Z có phong cách sống năng động, hiện đại, am hiểu công nghệ, có nhu cầu cá nhân hóa cao sẽ có cơ hội nắm bắt, khám phá, trải nghiệm những công nghệ thanh toán hiện đại, các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện ích gắn với thẻ ngân hàng nói riêng và thanh toán số nói chung.
Ngày 6/4, Báo Tiền Phong và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) đã tổ chức họp báo giới thiệu về Ngày thẻ Việt Nam lần thứ 2. Chia sẻ tại sự kiện, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán – NHNN cho biết, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 hướng tới một số mục tiêu chủ yếu như:
(1) tạo sự chuyển biến tích cực, sâu rộng về TTKDTM; phổ cập sử dụng các phương thức, phương tiện TTKDTM trong dân cư khu vực thành phố, đô thị và tạo sự lan tỏa, mở rộng TTKDTM trong nhóm dân cư địa bàn nông thôn, vùng sâu xa. (2) Ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ 4.0 để đổi mới, phát triển hạ tầng thanh toán, cung ứng dịch vụ TTKDTM an toàn, tiện ích, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán ngày một tăng, yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp. (3) Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM dựa trên quy định đồng bộ, quy trình chặt chẽ và công nghệ tiên tiến.
"Như vậy, Ngày Thẻ Việt Nam năm nay là chuỗi các sự kiện, hoạt động truyền thông phù hợp và hưởng ứng tích cực chủ trương phát triển TTKDTM của Chính phủ và NHNN theo Đề án 1813/QĐ-TTg. Thông qua đó, sẽ tạo cầu nối, khơi nguồn cảm hứng giúp giới trẻ Việt Nam, nhất là thế hệ Gen Z có phong cách sống năng động, hiện đại, am hiểu công nghệ, có nhu cầu cá nhân hóa cao, có cơ hội nắm bắt, khám phá, trải nghiệm những công nghệ thanh toán hiện đại, các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện ích gắn với thẻ ngân hàng nói riêng và thanh toán số nói chung" - ông Dũng nói.
Đại diện Vụ Thanh toán NHNN cũng chia sẻ về các giải pháp để đẩy mạnh TTKDTM đối với thanh toán dịch vụ công.
Thứ nhất là triển khai xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, thúc đẩy thanh toán dịch vụ công như: (i) Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; Đề án phát triển TTKDTM; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã cấp phép cho 03 nhà mạng viễn thông triển khai; (ii) Hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC); (iii) Tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán về thẻ Chip, QR code và công tác đảm bảo an ninh an toàn, hoạt động nghiệp vụ;…
Thứ hai là thúc đẩy các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán ứng dụng công nghệ để cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM đổi mới, phù hợp, chi phí hợp lý như: QR Code, Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking...cho phép khách hàng có nhiều sự lựa chọn và thuận tiện hơn trong thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử đối với dịch vụ công.
Thứ ba là tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số. Thúc đẩy việc hợp tác ngân hàng - công ty Fintech để cung ứng các dịch vụ tiện ích cho khách hàng trên các ứng dụng điện thoại thông minh. Các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT cũng đã kết nối hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG, cho phép các Bộ, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ, thanh toán trực tuyến với các thủ tục hành chính.
Thứ tư, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, áp dụng các chính sách ưu đãi miễn/giảm phí đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG.
Thứ năm, NHNN cũng thường xuyên có những chỉ đạo đối với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán về việc đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; hướng dẫn công tác tra soát, khiếu nại; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
H. Kim - Tuệ Lâm