(Tổ Quốc) - Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có diện tích khoảng 331.344 km2.
Trong các vùng kinh tế, vùng đồng bằng sông Hồng có diện tích lớn nhất. Cụ thể, vùng đồng bằng sông Hồng có diện tích khoảng 21.278km2, dân số trung bình đạt khoảng 23.335 nghìn người và mật độ dân số đạt khoảng 1.091 người/km2.
Đồng bằng sông Hồng là khu vực hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình thuộc vùng Bắc Bộ Việt Nam. Vùng Đồng bằng sông Hồng có 11 tỉnh thành, trong đó có 2 thành phố trực thuộc trung ương. Các tỉnh thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.
Vùng đồng bằng sông Hồng là cầu nối giữa vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, thuận lợi giao lưu với các vùng khác trong cả nước. Vùng đồng bằng sông Hồng có những đồng bằng châu thổ màu mỡ, dải đất rìa trung du với một số tài nguyên khoáng sản, tài nguyên du lịch và vịnh Bắc Bộ giàu tiềm năng.
Hiện nay, vùng đồng bằng sông Hồng giữ vị trí trung tâm kinh tế, khoa học - kĩ thuận và văn hóa của cả nước. Sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng là những cửa ngõ mở ra khu vực và thế giới. Vì thế đồng bằng sông Hồng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Vùng Đồng bằng song Hồng có nguồn lao động dồi dào để phát triển kinh tế. Hơn nữa, vùng có dân số lớn nhất trong các vùng kinh tế nên sẽ có thị trường tiêu thụ rộng lớn từ đó thúc đẩy các hoạt động dịch vụ phát triển, đặc biệt là dịch vụ tiêu dùng.
Về phát triển kinh tế, vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về kinh tế và đối ngoại của đất nước với hạt nhân là Thủ đô Hà Nội; có vai trò là 1 trong 2 "đầu tàu" kinh tế, động lực phát triển hàng đầu của cả nước với 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây cũng là vùng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong những năm qua, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trong vùng (riêng khu vực Vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm tới 33% số dự án và trên 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam) đã góp phần phát triển doanh nghiệp và tạo thêm hàng chục vạn việc làm cho người lao động trong vùng và các vùng lân cận, hình thành thị trường lao động có bước phát triển nhanh, tiếp cận theo hướng hiện đại, hội nhập.
Trong giai đoạn 2021-2030, Vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn là thị trường có nguồn nhân lực dồi dào và quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của Vùng cần theo chiều sâu, trong đó tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao.
Về tầm nhìn đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng định hướng trở thành vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh.
Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Minh Tiến