(Tổ Quốc) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20/5/2023, cả nước có 37.238 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 447,7 tỷ USD. Trong đó, 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) thu hút 343,58 tỷ USD.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 1,73 tỷ USD, chiếm 32,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1,09 tỷ USD, chiếm 20,6%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 552,3 triệu USD, chiếm 10,5%; Đài Loan (Trung Quốc) 499,9 triệu USD, chiếm 9,5%; Nhật Bản 317,7 triệu USD, chiếm 6%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,25 tỷ USD, chiếm 81,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 546,6 triệu USD, chiếm 7,1%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 368,3 triệu USD, chiếm 4,8%.
Tính lũy kế đến ngày 20/05/2023, Việt Nam hiện có 143 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 81,6 tỷ USD (chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 73,4 tỷ USD (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc).
Theo địa bàn, nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với hơn 56,7 tỷ USD (chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với gần 40 tỷ USD (chiếm hơn 8,9% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với hơn 39,2 tỷ USD (chiếm gần 8,8% tổng vốn đầu tư).
Theo ngành, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến,chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 266,9 tỷ USD (chiếm 59,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 67,1tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với hơn38,3 tỷ USD (chiếm gần 8,6% tổng vốn đầu tư).
Cả nước hiện có 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) với 24 tỉnh, thành: Vùng KTTĐ Bắc Bộ gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc; vùng KTTĐ phía Nam gồm có TP. HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang; vùng KTTĐ miền Trung hiện có Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định; vùng KTTĐ vùng đồng bằng sông Cửu Long với 4 tỉnh, thành là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau.
Xét trong 4 vùng KTTĐ, vùng KTTĐ phía Nam là vùng có lũy kế tổng vốn FDI nhiều nhất tính đến 20/5/2023. Cụ thể, lũy kế tổng vốn FDI đổ vào vùng KTTĐ phía Nam đạt khoảng 193,07 tỷ USD. Theo đó, vùng KTĐT phía Nam là vùng KTTĐ duy nhất hút vốn ngoại trên 190 tỷ USD. Trong đó, TP. HCM là địa phương có lũy kế tổng vốn FDI nhiều nhất trong vùng KTTĐ phía Nam.
Sau vùng KTTĐ phía Nam, vùng KTTĐ Bắc Bộ đứng thứ hai với lũy kế tổng vốn FDI đạt 122,81 tỷ USD. Trong các địa phương thuộc vùng KTTĐ Bắc Bộ, Hà Nội là địa phương có lũy kế tổng vốn FDI nhiều nhất.
Đứng ở vị trí thứ 3 là vùng KTTĐ miền Trung với lũy kế tổng vốn FDI đạt 20,15 tỷ USD. Quảng Nam là tỉnh có có lũy kế tổng vốn FDI nhiều nhất trong vùng KTTĐ miền Trung.
Vùng KTTĐ vùng đồng bằng song Cửu Long có lũy kế tổng vốn FDI đạt 7,55 tỷ USD tính đến 20/5/2023. Trong vùng KTTĐ vùng đồng bằng song Cửu Long, Kiên Giang là tỉnh có lũy kế tổng vốn FDI nhiều nhất.