(Tổ Quốc) - Trong năm 2022, 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) đều có tăng trưởng GRDP cao hơn tăng trưởng GDP chung của cả nước.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP cả nước đạt 8,02% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại. Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Cùng với đó, 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) đều có tăng trưởng GRDP tốt và cao hơn tăng trưởng GDP chung của cả nước.
Cả nước hiện có 4 vùng KTTĐ với 24 tỉnh, thành: Vùng KTTĐ Bắc Bộ gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc; vùng KTTĐ phía Nam gồm có TP. HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang; vùng KTTĐ miền Trung hiện có Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định; vùng KTTĐ vùng đồng bằng sông Cửu Long với 4 tỉnh, thành là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau.
Trong năm 2022, vùng KTTĐ miền Trung có tăng trưởng GRDP cao nhất, đạt 10,43%, cao gấp 1,3 lần tăng trưởng GDP chung của các nước. Trong 5 địa phương thuộc vùng KTTĐ miền Trung, Đà Nẵng là tỉnh có tăng trưởng GRDP cao nhất, đạt 14,05% trong năm 2022.
Sau vùng KTTĐ miền Trung, vùng KTTĐ Bắc Bộ có tăng trưởng GRDP xếp thứ 2, đạt 9,63%, cao gấp 1,2 lần tăng trưởng GDP chung của cả nước trong năm 2022. Trong đó, Hưng Yên là tỉnh có tăng trưởng GRDP cao nhất vùng KTTĐ Bắc Bộ, đạt 13,41% trong năm 2022.
Đứng ở vị trí thứ 3 là vùng KTTĐ phía Nam với tăng trưởng GRDP đạt 8,6%, cao gấp 1,1 lần tăng trưởng GDP chung cả nước trong năm 2022. Trong 8 tỉnh, thành thuộc vùng KTTĐ phía Nam, Tây Ninh là tỉnh có tăng trưởng GRDP cao nhất, đạt 9,56%.
Cuối vùng là vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long, tăng trưởng GRDP của vùng đạt 8,49% trong năm 2022. Cần Thơ là tỉnh có tăng trưởng GRDP cao nhất trong vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long, đạt 12,64% trong năm 2022.
Minh Tiến