(Tổ Quốc) - Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ ghi nhận một số cơ hội tăng trưởng mới từ thương mại, công nghệ số và sản xuất xanh trong giai đoạn hậu COVID-19.
Báo cáo đưa ra các khuyến nghị đối với khu vực Đông Á - Thái Bình Dường. Cụ thể, liên quan đến chính sách tài khóa, các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương đã gặp khó khăn trong việc hài hòa giữa hỗ trợ tài khóa để cứu trợ, phục hồi và tăng trưởng, với dư địa tài khóa đang bị thu hẹp.
Chẳng hạn, gia tăng nợ - đến trên 10 điểm phần trăm so với GDP ở hầu hết các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương và hơn gấp 3 lần ở Fiji đang gia tăng áp lực phải củng cố tài khóa thậm chí khi quá trình phục hồi còn chưa hoàn thành.
Tình trạng phục hồi và mức độ dễ tổn thương về tài chính vĩ mô. Nguồn: Ước tính của cán bộ Ngân hàng Thế giới. Ghi chú: Trục y thể hiện số liệu GDP thực của quý/năm mới nhất so với năm 2019. Chỉ số nguy cơ tài chính vĩ mô bao gồm bốn chỉ số nhỏ: tài chính chính phủ, nhu cầu huy động vốn nước ngoài; sức khỏe khu vực tài chính; và biến động kinh tế vĩ mô. Thang điểm từ 1-5 thể hiện các nhóm ngũ phân vị so với mẫu gồm toàn bộ các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.
Có 3 biện pháp có thể giúp ích. Thứ nhất, an sinh xã hội hiệu suất cao hơn có thể tiết kiệm dư địa tài khóa cho những mục tiêu khác. Các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương đã phòng vệ cho các hộ gia đình khỏi các cú sốc về thu nhập gần đây liên quan đến COVID thông qua tăng chi đồng loạt cho an sinh xã hội và chống lại các cú sốc về giá cả thông qua kết hợp giữa kiểm soát giá và trợ giá (hoặc giảm thuế).
Cả 2 biện pháp trên có lẽ là hình thức trợ giúp duy nhất khả thi trong ngắn hạn, nhưng đều không có hiệu suất cao và không bền vững về mặt tài khóa.
Thứ hai, nguồn lực công kết hợp với cải cách chính sách đầu tư có thể khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư mạnh hơn cho cơ sở hạ tầng công cộng.
Cuối cùng, chính phủ có thể hài hòa giữa nhu cầu chi tiêu và giới hạn ngân sách đang thu hẹp bằng cách cam kết khôi phục kỷ cương tài khóa thông qua (tái) áp dụng các quy tắc tài khóa, như Indonesia dự kiến thực hiện vào năm 2023; và cải cách tài khóa thông qua ban hành các văn bản pháp luật, và việc triển khai thực hiện các văn bản này sẽ phải dựa trên các chỉ tiêu khách quan đo lường mức độ phục hồi.
Ví dụ, luật mới nhằm cải cách thuế tại Indonesia dự kiến sẽ tăng thu thêm 1,2% GDP trong trung hạn.
Đối với chính sách an toàn vĩ mô, các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương phải đề phòng rủi ro bất ổn tài chính khi đối mặt với thắt chặt tài chính tại các thị trường lớn. Chính sách tiền tệ vẫn cần thận trọng với những áp lực lạm phát mới, nhưng hiện vẫn có thể tiếp tục hỗ trợ phục hồi ở hầu hết các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương, do lãi suất thực tương đối cao và lạm phát cơ bản đang tương đối thấp.
Mặc dù ngân hàng ở hầu hết các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ an toàn vốn tốt và nợ xấu được báo cáo ở mức thấp, nhưng việc chẩn đoán sức chịu đựng có thể giúp xác định nguy cơ dễ tổn thương có thể nhen nhóm sau các quy định cho phép giãn thời gian trả nợ.
Tiếp theo, tùy vào hoàn cảnh, các quốc gia phải đảm bảo an toàn vốn ở các ngân hàng có tỷ lệ nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu cao; phòng ngừa rủi ro và kéo dài kỳ hạn nợ để xử lý bất cân đối về đồng tiền và rủi ro đảo nợ; tăng cường dự phòng thanh khoản và có dòng tín dụng để dự phòng khả năng tăng nhu cầu huy động vốn nước ngoài.
Liên quan đến thương mại, báo cáo nhấn mạnh, cải cách toàn diện về thương mại sẽ tạo điều kiện giúp các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương tận dụng được sự chuyển dịch trong bối cảnh thương mại toàn cầu.
Thứ nhất, đối với làn sóng chuyển dịch hoạt động sản xuất về nước, thay vì trả đũa thì tự do hóa và tạo thuận lợi thương mại có thể dẫn đến thu nhập thực tăng ròng đến 3%. Đồng thời, kiềm chế ban hành những hạn chế xuất khẩu trên toàn cầu khi phải đối mặt với cú sốc về giá hàng hóa sẽ tránh tạo ra vòng xoáy giá cả, và cùng đó là kết quả còn tồi tệ hơn trên toàn cầu.
Thứ hai, ngoài thương mại hàng hóa, cải cách các biện pháp hạn chế thương mại vẫn ở mức cao trong lĩnh vực vận tải, truyền thông và các dịch vụ doanh nghiệp khác, có thể giúp giảm chi phí thương mại và nâng cao năng suất cho toàn bộ nền kinh tế.
Thứ ba, triển khai các biện pháp tạo thuận lợi để lao động dịch chuyển trong nước, chẳng hạn, qua đào tạo lại và hỗ trợ tìm việc, sẽ cho phép nguồn lực chuyển đến những nơi có lợi thế so sánh mới, nâng cao năng suất và thu nhập.
Cuối cùng, tham gia vào các hiệp định thương mại có chiều sâu có thể vừa là xúc tác cải cách trong nước vừa đảm bảo tiếp cận các thị trường nước ngoài. Ví dụ, sự tham gia của Trung Quốc ước tính sẽ tăng lợi ích thu nhập toàn cầu từ hiệp định CPTPP gấp bốn lần, lên đến khoảng 630 tỷ USD so với mức 150 tỷ USD hiện nay. Các hiệp định có chiều sâu không chỉ đề cập đến tự do hóa thương mại, mà còn cả hợp tác pháp lý và phối hợp hạ tầng, qua đó tiếp tục tăng cường chiều sâu hội nhập kinh tế.
Về công nghệ, báo cáo cho biết, công nghệ lan tỏa nhanh chóng trong giai đoạn hậu COVID có thể nâng cao năng suất. Tuy nhiên, để làm chủ được công nghệ thì cần phải cải cách chính sách và hỗ trợ.
Thứ nhất, nâng cao mức độ cạnh tranh bằng cách loại bỏ rào cản gia nhập và thoái lui cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, kết hợp với những cải cách về môi trường kinh doanh sẽ giúp tăng cường động lực áp dụng và lan tỏa công nghệ.
Thứ hai, các biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng quản trị và kỹ thuật cũng như khả năng tiếp cận tài chính cần thiết, sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đưa công nghệ giúp nâng cao năng suất vào hoạt động kinh doanh của họ.
Thứ ba, dù cơ sở hạ tầng số phục vụ cho công nghệ cơ bản nhìn chung đã có sẵn, nhưng truy cập băng thông rộng, phổ biến tại các tỉnh miền Đông của Trung Quốc, cần được mở rộng ở các quốc gia như Indonesia và Philippines để tạo thuận lợi cho việc sử dụng những công nghệ tiên tiến hơn.
Hà Trần