(Tổ Quốc) - Theo World Bank, hỗ trợ của Việt Nam có thời hạn ngắn hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Các quốc gia như Campuchia, Thái Lan hay Indonesia đã kéo dài thời gian hỗ trợ bằng tiền đến năm 2021, còn các biện pháp của Việt Nam chỉ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6/2020.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố báo cáo “Tác động phân phối của chính sách tài khóa ứng phó COVID-19 đến các hộ gia đình, đặc biệt là ở thành phố Đà Nẵng”. Trong đó, World Bank đã tiến hành so sánh chính sách ứng phó của Việt Nam với các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương.
Theo đó, trợ giúp xã hội của Việt Nam được mở rộng nhằm ứng phó với dịch COVID-19, theo hướng ban hành chương trình mới và/hoặc mở rộng như tại hầu hết các quốc gia trong khu vực.
Hơn nữa, Việt Nam mở rộng phạm vi đối tượng thụ hưởng ít hơn so với các quốc gia khác ở Đông Á. Báo cáo chỉ ra rằng, trước khi đại dịch bùng phát tỷ lệ người dân nhận trợ giúp xã hội của Việt Nam ở mức 16%, đứng thứ 5 từ dưới lên.Mức này thấp hơn nhiều so với 64% ở Malaysia, 71% ở Thái Lan.
Tại Việt Nam, tất cả các đối tượng thụ hưởng hiện hành đều được nhận hỗ trợ tăng thêm. Tỷ lệ người dân được bổ sung vào nhóm đối tượng thụ hưởng mới cũng thấp, chỉ ở mức 11%. So với các nước trong khu vực Đông Á có bổ sung đối tượng thụ hưởng mới, Việt Nam đứng thứ ba từ dưới lên.
Vì vậy, tổng số đối tượng thụ hưởng trợ giúp xã hội trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 chiếm 28% dân số, đứng thứ ba từ dưới lên trong khu vực, chỉ cao hơn Trung Quốc và Campuchia.
World Bank cho biết, mức chi của Việt Nam cho trợ giúp xã hội liên quan đến Covid-19 cũng thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, Việt Nam đứng thứ năm về tỷ lệ chi trợ giúp xã hội trên GDP năm 2019. Cụ thể, Việt Nam đã chi khoảng 0,09% GDP để hỗ trợ tăng thêm cho các đối tượng hiện hành trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19. Trong số các quốc gia có hỗ trợ tăng thêm, mức chi này chỉ cao hơn Indonesia .
Các chuyên gia của World Bank chỉ ra rằng:”Nhất quán với số lượng đối tượng mới ít như đã nêu trên, Việt Nam chỉ chi 0,11% GDP để trợ giúp xã hội cho các đối tượng mới (người lao động khu vực phi chính thức), thấp thứ hai trong số các quốc gia có mở rộng trợ giúp xã hội cho đối tượng mới, và thấp hơn nhiều so với mức chi 0,67% tăng thêm của Indonesia.”
Do chi hỗ trợ tăng thêm ở mức khiêm tốn và chi cho các đối tượng mới ở mức thấp, dẫn đến tổng chi cho trợ giúp xã hội của Việt Nam trong đại dịch chỉ ở mức 0,86% GDP. Con số này thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, và thấp hơn nhiều khi so với 4,2% của Mông Cổ, 3% của Thái Lan và 2,1% của Philippines.
Việt Nam cần tăng mức hỗ trợ
Các chuyên gia của World Bank cho rằng việc tăng mức hỗ trợ cho những người gặp khó khăn là cần thiết. Trên góc độ phúc lợi và mất thu nhập, mức hỗ trợ hiện nay của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp.
Cụ thể, trên góc độ mất thu nhập, lương tối thiểu hiện nay là gần 5 triệu đồng/tháng, trong khi hỗ trợ cho lao động trong khu vực kinh phi chính thức bị mất việc làm chỉ ở mức 1 triệu đồng/tháng. Trên góc độ phúc lợi, các kịch bản mô phỏng ước tính phúc lợi hộ gia đình tăng thêm 500.000 đồng/người/năm, tương đương 41.667 đồng/người/tháng.
World Bank đánh giá: “Số tiền như vậy là nhỏ. Chẳng hạn, suy từ chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới là 3,20 USD/ngày theo ngang giá sức mua năm 2011, hỗ trợ bằng tiền ở mức dưới 1 triệu đồng là nhỏ.”
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cung cho rằng Việt Nam cần thực hiện một chương trình phục hồi 2 năm. Đây là thời gian đủ dài để không chỉ phục hồi mà còn là tạo lập "bình thường mới", là bắt nhịp để chuyển sang cấu trúc phát triển mới.
Ông đánh giá thêm, một chương trình như thế không thể chi bằng một ngân sách "hà tiện" được. Quy mô ngân sách cho chương trình này có lẽ phải tương đương 8-10% GDP.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định: "Tôi còn mong nếu có thể tính toán đầy đủ và "căn cơ", để nền kinh tế bứt lên được, thì gói hỗ trợ đó còn hơn 10%, có thể lên tới 15% GDP. Trên thế giới, các nước phát triển hơn, quy mô GDP lớn vượt trội, đang đưa ra những gói hỗ trợ đến 20-40% GDP, thậm chí Nhật Bản, lên tới hơn 50% GDP. Các nước Đông Nam Á láng giềng của ta đa số cũng đưa ra gói hỗ trợ cao hơn Việt Nam nhiều, ví dụ như Singapore 18% GDP; Thái Lan, Malaysia ít hơn cũng đã tung ra gói quy mô 8-10% GDP."
Đặng Sơn