(Tổ Quốc) - Các thương hiệu trang sức đang dần chuyển sang hình thức e-mining, sử dụng kim loại được xử lý lại từ các thiết bị như điện thoại di động, máy tính... để thay thế vật liệu khai thác.
Mười hai năm trước, khi đang theo học ngành thiết kế tại một trường trung học Anh quốc, Eliza Walter lần đầu nghe đến khái niệm khai thác điện tử (e-mining) - quy trình lấy kim loại quý từ rác thải điện tử. Trong một chuyến thăm quan xưởng đúc địa phương ở Melton Mowbray, Walter biết rằng ngoài mỏ vàng, con người cũng có thể khai thác chúng từ đồ công nghệ bị vứt bỏ trong bãi rác.
Từ cảm hứng đó, vào năm 2017, chị Walter thành lập cửa hàng trang sức Lylie sau khi tốt nghiệp Học viện Holts. Các sản phẩm của thương hiệu đều được chế tác bằng vàng lấy từ linh kiện điện tử và miếng trám răng.
Theo The New York Times, các thương hiệu trang sức lớn và nhỏ đang dần chuyển sang hình thức e-mining, sử dụng kim loại được xử lý lại từ các thiết bị như điện thoại di động, máy tính xách tay, máy chơi game và card đồ họa để thay thế vật liệu khai thác. Được biết, vàng và một số kim loại quý khác thường được sử dụng trong các thiết bị điện tử vì chúng dẫn điện tốt và có xu hướng chống lại sự ăn mòn. Ngoài ra, tái chế cũng gián tiếp làm giảm nhu cầu khai thác, vốn có thể gây hại cho môi trường.
Vào năm 2020, nhà sản xuất đồ trang sức lớn nhất thế giới Pandora tuyên bố vào năm 2025, tất cả các sản phẩm đều sẽ được làm từ vàng và bạc tái chế, trong đó có rác thải điện tử. Theo thống kê của Pandora, khoảng 40% rác thải điện tử tại châu Âu được tái chế, trong khi con số trên ở châu Á chỉ là 10%.
Theo Kim Parker, biên tập viên trang sức tại Harper's Bazaar UK và Telegraph Luxury, từ nhu cầu của một nhóm nhỏ người dùng, việc khai thác kim loại từ rác điện tử để chế tác trang sức trở thành xu hướng mới. Dẫu vậy, công nghệ và nguồn lực để thu thập vật liệu còn đang giới hạn.
Royal Mint, công ty thuộc chính phủ Anh đang nỗ lực giải quyết vấn đề trên. Cuối năm 2021, doanh nghiệp này tuyên bố hợp tác với startup Excir của Canada để lấy kim loại từ rác thải công nghệ. Một nhà máy trị giá hàng triệu USD theo đó dự kiến sẽ được xây dựng tại South Wales và sau khi đi vào hoạt động vào năm 2023 sẽ có thể xử lý 90 tấn rác thải điện tử mỗi tuần.
Được biết, để tạo ra một chiếc nhẫn cưới, xưởng chế tác của Walter cần lượng vàng thu từ 17,5 chiếc điện thoại. Điều này được cho là không hề dễ dàng bởi ngành công nghiệp này vẫn thiếu nguồn lực sản xuất.
Walter cho biết cô từng gặp một vị khách quen bạn gái thông qua ứng dụng hẹn hò và muốn dùng vàng lấy từ chính chiếc điện thoại đó để làm nhẫn cưới. Dù không thể đáp ứng yêu cầu, Walter hy vọng những tiến bộ trong kỹ thuật e-mining sẽ sớm biến điều đó thành sự thật, nhất là vào năm sau, khi cửa hàng lên kế hoạch tiếp nhận điện thoại cũ để lấy vàng.
NoWa, thương hiệu trang sức được thành lập tại Hà Lan vào năm 2019 cũng thu thập vàng từ linh kiện điện thoại để phục vụ việc chế tác. Nhà sáng lập Josette de Vroeg đưa ra ý tưởng này sau khi làm việc cho Closing the Loop, một tổ chức thu gom rác điện tử tại châu Phi. NoWa là viết tắt của No Waste, tức không rác thải.
"Tôi nghĩ phải tạo ra thứ gì đó thật thú vị từ nguồn vật liệu lấy từ điện thoại di động", de Vroeg cho biết, dù bản thân không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Mất khoảng 2 năm và hơn 15.000 USD vốn huy động trên Kickstarter, de Vroeg mới tìm một nhà máy có thể tái chế điện thoại và tinh luyện kim loại, đồng thời bắt đầu kinh doanh.
Các sản phẩm có thể kể đến như vòng tay Infinity bằng bạc mạ vàng 14 karat, được bán với giá 49,95 Euro. Toàn bộ đồ trang sức đều được sản xuất tại Hà Lan - thị trường chính của NoWa và bà De Vroeg cho biết sẽ lên kế hoạch mở rộng hoạt động vào năm tới.
Theo: The New York Times
Vũ Anh