Đạm Cà Mau bứt phá ấn tượng dựa trên nội lực bền vững

(Tổ Quốc) - Từ mức đáy tháng 4 cho đến nay thị giá cổ phiếu DCM của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HOSE: DCM) đã tăng gần 80%. Sự khởi sắc của mã cổ phiếu này được lý giải ở nhiều góc độ, trong đó nổi bật là giá nguyên liệu đầu vào sụt giảm mạnh.

Bứt phá ấn tượng

Báo cáo tổng hợp từ các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho thấy, PVCFC thuộc nhóm có kết quả kinh doanh tích cực và ấn tượng nhất của ngành trong 5 tháng đầu năm. Cụ thể, tận dụng nguồn nguyên liệu ổn định những tháng đầu năm, PVCFC duy trì tối đa công suất với sản lượng sản xuất đạt 393,73 nghìn tấn, đạt 49% kế hoạch năm; tiêu thụ ure đạt 345,63 nghìn tấn; phân bón tự doanh đạt 76,33 nghìn tấn, nhờ vậy, tổng doanh thu 5 tháng đầu năm đạt 2.693 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch năm 2020, các con số này đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Đề cập đến kết quả kinh doanh tích cực của Đạm Cà Mau, các công ty chứng khoán cho rằng, giá dầu giảm gần 30% so với đầu năm đã kéo giá khí nguyên liệu đầu vào (chiếm tỷ trọng hơn 20% trong cơ cấu của giá vốn), đã ảnh hưởng tích cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sử dụng khí đốt làm nguyên liệu như PVCFC.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, sản xuất tiêu thụ nông sản bị đình trệ làm giảm nhu cầu phân bón trên thế giới. Thị trường chính Tây Nam Bộ của Đạm Cà Mau chịu đợt hạn mặn kỷ lục, thiếu nước để sản xuất nông nghiệp, một số tỉnh tại khu vực tại Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã thông báo khẩn cấp vì hạn hán…sản lượng sản xuất và tiêu thụ của Đạm Cà Mau lại cao hơn đã cho thấy nỗ lực tự thân của doanh nghiệp không nhỏ.

Hướng đến nông nghiệp bền vững

Đại diện công ty cho biết, trong 2 quý đầu năm, tình trạng hạn hán xâm nhập mặn khiến nông dân chuyển sang dùng phân đơn, tuy nhiên nếu không được định hướng, cung cấp đầy đủ kiến thức hỗ trợ, nông dân sẽ dùng các loại phân bón không đủ chất lượng (thành phần công bố) cũng như sẽ chọn nhầm các loại phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường.

Từ thực tế đó, ngoài việc nỗ lực bán hàng, nhập các sản phẩm tự doanh chất lượng cao đủ hàm lượng Kali, Dap, Đạm Cà Mau còn tổ chức truyền thông để bà con hiểu được tác hại của việc sử dụng phân bón kém chất lượng, hỗ trợ nông dân sau hạn mặn; mô hình trình diễn… để khách hàng trải nghiệm dùng thử sản phẩm.

Đạm Cà Mau bứt phá ấn tượng dựa trên nội lực bền vững - Ảnh 1.

PVCFC cùng với Viện lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh triển khai chương trình canh tác lúa "thông minh". Chương trình này đã giúp nhiều hộ nông dân không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn do được cán bộ kỹ thuật kiểm tra độ mặn thường xuyên và canh thời điểm thích hợp để lấy nước vào ruộng, cho năng suất cao.

Hoạt động tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật, cách sử dụng phân bón hiệu quả, hỗ trợ kiểm tra độ mặn, khuyến cáo thời điểm thích hợp để lấy nước vào ruộng… cho bà con nông dân bằng hình thức online, offline được coi trọng và duy trì thường xuyên.

Cho đến thời điểm này, vụ Hè Thu tại thị trường Tây Nam Bộ đã thực hiện được khoảng 65% và thị trường Campuchia bắt đầu vào chính vụ nên tình hình tiêu thụ của Công ty được nhận định tiếp tục khởi sắc. Đặc biệt, một tin vui đối với cổ đông quan tâm đến DCM chính là nguồn khí. Cơ quan chủ quản của PVCFC cho hay sẽ tiếp tục tạo điều kiện cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định đến năm 2031 để PVCFC sản xuất ổn định, gia tăng mạnh mẽ hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.

Một vấn đề nữa ảnh hưởng đến hiệu quả doanh nghiệp là những bất cập trong việc áp dụng Luật số 71/2014/QH13 khiến không ít doanh nghiệp mỗi năm thiệt hại cả trăm tỷ đồng, dẫn đến không giảm được giá bán cho người nông dân và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bà con nông dân, còn làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp…Những bất cập này đã nhiều lần được các doanh nghiệp sản xuất phân bón kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước, hiện các doanh nghiệp phân bón nói chung và Đạm Cà Mau nói riêng mong chờ "thời điểm thích hợp" các cơ quan hữu quan gỡ khó bằng cách diều chỉnh để DCM có bức tranh tươi sáng hơn.

Đạm Cà Mau bứt phá ấn tượng dựa trên nội lực bền vững - Ảnh 2.

Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp phân bón như Đạm Cà Mau vẫn có nhiều thách thức không nhỏ, đó là xu hướng tăng giá dầu đẩy giá khí tăng cao; thời tiết nắng nóng ảnh hưởng tiêu cực đến mùa vụ; giá phân bón thế giới đi xuống do nhu cầu thấp, nguồn cung dồi dào… Tuy nhiên, những kết quả tích cực đạt được trong 5 tháng đầu năm nhờ chuỗi nỗ lực tổng thể của Đạm Cà Mau sẽ tiếp tục khẳng định sự đúng đắn của chiến lược phát triển bền vững và nâng tầm nền nông nghiệp Việt Nam.

Ánh Dương

Tin mới