(Tổ Quốc) - Thị trường chứng khoán dù chịu áp lực áp điều chỉnh mạnh trong thời gian gần đây nhưng mã DDG của Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp và Xuất nhập khẩu Đông Dương lại bất ngờ tạo sóng. DDG cũng là một trong mã cổ phiếu trong nhóm HNX30 giữ được sắc xanh trong đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán.
Chính sách siết chặt giãn cách trong quý 3/2021 đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động do không thể đáp ứng được tiêu chí "3 tại chỗ".
Tuy nhiên, với DDG thì đại dịch Covid-19 cũng là chính cơ hội để doanh nghiệp thể hiện khả năng ứng phó trước khó khăn và là một trong số ít doanh nghiệp vẫn duy trì được các hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, DDG đã chủ động tận dụng khoảng thời gian giãn cách xã hội để bảo dưỡng hệ thống máy móc. Đặc biệt, HĐQT đã biến khó khăn thành cơ hội tăng doanh thu và lợi nhuận đáng kể, khi đẩy mạnh hoạt động mới như: bảo trì, thay mới hệ thống máy móc cho các doanh nghiệp phải ngừng sản xuất do dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch HĐQT, hoạt động này đã nhận được nhiều đơn hàng trong mùa dịch, và được đánh giá tích cực từ phía các khách hàng. Bản thân DDG cũng có thêm nguồn thu nhập bù đắp cho một số lĩnh vực bị sụt giảm vì tác động của Covid-19.
Những điều chỉnh kịp thời này chính là yếu tố giúp cho DDG ghi nhận được kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong năm vừa qua. Theo báo cáo tài chính soát xét năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DDG đạt lần lượt là 752 tỷ đồng (tăng 65,6% so với năm 2020 và vượt 44% so với kế hoạch) và 41,3 tỷ đồng (tăng 175,2% so với năm 2020 và vượt gần 15% so với kế hoạch).
Đáng chú là trong khi đại dịch Covid-19 khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn thì tình hỉnh tài chính của DDG hoàn toàn ngược lại. Thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của DDG đạt hơn 1.553 tỷ đồng và không phát sinh khoản phải thu quá hạn trong năm. Hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) đạt 3,62%.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 được tổ chức ngày 31/5, HĐQT của DDG công bố tờ trình ĐHCĐ về kế hoạch kinh doanh năm 2022 với những con số được cho là kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh thu ước đạt 880 tỷ đồng (tăng 17%), lợi nhuận sau thuế đạt 70,4 tỷ đồng (tăng 70%).
DDG cũng có tờ trỉnh việc phương án phát hành 2,8 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán là 10.000 đồng. Đợt phát hành này nếu thành công, DDG dự kiến thu về 28 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành việc phát hành ESOP, công ty sẽ tiếp tục phát hành thêm 10,77 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 18% để nâng vốn điều lệ lên 706,1 tỷ đồng.
Một trong những tờ trình đặc biệt được HĐQT DDG công bố tại ĐHĐCĐ là phương án đổi tên doanh nghiệp thành Công ty cổ phần Công nghệ xanh Đông Dương. Theo ông Quang, việc đổi tên này nằm trong chiến lược tấn công vào thị trường năng lượng sạch trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc đổi tên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối với các đối tác và khách hàng khi giao dịch.
Với những thông tin tích cực trên, DDG nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Sự quan tâm này được thể hiện qua sự "vững vàng" của giá cổ phiếu DDG trong những phiên "chao đảo" của thị trường gần đây.
Kết phiên giao dịch ngày 31/5, DDG đạt 40.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức vốn hóa đạt 2.280 tỷ đồng (xấp xỉ 100 triệu USD). Tính từ đầu năm 2022 đến nay DDG đã đạt mức tăng trưởng hơn 30% và tăng trưởng 82% so với thời điểm 1 năm trước. DDG hiện là một trong những blue chip hàng đầu của rổ HNX30.
Ánh Dương