Gang thép Hà Nội (HSV) lấn sân sản xuất phôi thép

(Tổ Quốc) - Từ doanh nghiệp chuyên cung cấp nguồn sắt phế liệu cho các doanh nghiệp sản xuất phôi thép nhằm cung ứng đến các đối tác lớn trong ngành nay Công ty đã sẵn sàng bước chân vào lĩnh vực sản xuất phôi thép.

Chia sẻ về lợi thế mở rộng thêm lĩnh vực sản xuất phôi thép, HSV cho biết doanh nghiệp đã có sẵn nguồn phế liệu "đẹp" để lựa chọn và dùng cho công tác sản xuất phôi thép chất lượng cao đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất hiện tại trên thị trường.

Theo nhìn nhận của nhóm chuyên gia, ngành Vật liệu xây dựng sẽ là ngành được hưởng lợi lớn nhất trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng từ năm 2021. Trong thời điểm hiện tại, quặng sắt, than cốc là các nguyên liệu đầu vào sản xuất sắt thép và phôi thép đang khan hiếm, giá ngày càng tăng phi mã, thậm chí nhiều doanh nghiệp sản xuất không thể mua nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Phân tích nguyên nhân giá thép trong nước liên tục tăng trong thời gian qua, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết các yếu tố tác động đến giá thép xây dựng trong nước chủ yếu đến từ việc giá nguyên liệu tăng mạnh. Cụ thể, giá quặng sắt ngày 4/5/2021 giao dịch ở mức 189,40-189,90 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng mạnh khoảng 19 USD/tấn so với đầu tháng 4/2021. Ngày 7/5/21, giá quặng giao dịch là 210 – 212 USD/tấn. Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9/2021, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE), kết thúc phiên giao dịch ban ngày cao hơn 0,7% ở mức 1.178 nhân dân tệ/tấn. Tương tự, giá thép phế HMS ½ 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 466 USD/tấn CFR Đông Á ngày 4/5/2021. Mức giá này tăng 24USD/tấn so với hồi đầu tháng 4/2021. Từ đầu tháng 4/2021 đến nay, giá phế liệu tăng từ 430USD lên 500 USD/tấn, tăng 70 USD sau một tháng. Hợp đồng quặng sắt SZZFN1 giao tháng 7/2021 trên Sàn giao dịch Singapore (SICOM) cũng được điều chỉnh tăng 2,1%, ghi nhận 209,10 USD/tấn trong cùng ngày.

Như vậy, lượng phôi thép sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% thị phần, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu phôi để điều chỉnh tăng giá, điều này khiến các nước nhập khẩu trong đó có Việt Nam bị động về nguyên liệu. "Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn cho các lò điện", VSA nhấn mạnh.

Đà tăng giá thép không chỉ đến từ giá nguyên vật liệu tăng cao mà còn đến từ việc thiếu nguồn cung, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, tình hình thương mại căng thẳng giữa các nước trên thế giới, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại cũng là những nguyên nhân tác động đến giá thép.

Gang thép Hà Nội (HSV) lấn sân sản xuất phôi thép - Ảnh 1.

Đây chính là cơ hội và lợi thế của HSV khi doanh nghiệp có sẵn nguồn hàng thay thế cho nguyên liệu đầu vào, thuận lợi cho quá trình mở rộng sản xuất. Hiện tại, Công ty Gang Thép Hà Nội đã tiến hành quá trình sản xuất ra thành phẩm để xuất đi.

Trong một thông báo trước đó từ HSV, khả năng sản xuất của Công ty đạt khoảng 40.000 tấn/năm. Với biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phôi thép từ 10 -15%, như vậy, hoạt động sản xuất phôi thép sẽ mang lại nguồn lợi nhuận đột biến cho doanh nghiệp trong quý 2 và có thể vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm mà doanh nghiệp đặt ra. Bên cạnh mạng lưới khách hàng trong nước như Công ty TNHH Thép Hoà Phát Hưng Yên, Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên, Công ty TNHH một thành viên thép Miền Nam, CTP gang thép Nghi Sơn…, HSV cũng là đối tác cung ứng phôi thép cho Công ty Thép Kyoei Việt Nam (Ninh Bình). Điều này cho thấy, HSV hướng tới chất lượng thành phẩm đạt tiêu chuẩn ISO quốc tế và thị trường xuất khẩu trong tương lai.

Xét về nguồn hàng tồn kho để phục vụ sản xuất, HSV cho biết, hiện Công ty đã có kế hoạch tích trữ một lượng hàng tồn kho giá rẻ. Về phía các đối tác cung ứng thép phế liệu cho Công ty, việc ưu tiên bình ổn giá nhập đầu và nguồn bán là yếu tố tiên quyết trong mối quan hệ hợp tác lâu dài. Đây là một trong những lợi thế của HSV trong sản xuất phôi thép cũng như cung cấp sắt phế liệu cho các doanh nghiệp đối tác sản xuất.

Cũng trong đầu tháng 6/2021, HSV đã nộp UBCKNN hồ sơ tăng vốn điều lệ thông qua phương án phát hành cổ phiếu ra công chúng. Theo đó, HSV sẽ thực hiện phát hành 5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ thực hiện là 100% nhằm nâng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng. Giá chào bán là 10.000 đồng/cp, tương đương với số tiền dự kiến huy động là 50 tỷ đồng.

Song song với bước đi chiến lược đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, HSV có kế hoạch mở rộng hoạt động của công ty liên quan đến khai thác mỏ cát trong tương lai không xa. Với mục tiêu vươn mình lên tầm cao mới, HSV đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với những bước đi thận trọng phù hợp trong từng thời điểm.

Ánh Dương

Tin mới