(Tổ Quốc) - Hiện nay, các chương trình phát triển tài năng (CTPTTN) nổi lên như một xu hướng đào tạo tại nhiều trường đại học trên cả nước nhằm tạo ra thế hệ nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thời đại.
Trao đổi với GS.TSKH. Hoàng Văn Kiếm - Nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Công nghệ thông tin, chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, người có nhiều tâm huyết và đóng góp cho sự nghiệp phát triển tài năng từ bậc phổ thông đến đại học ở nước ta, để hiểu hơn về xu hướng và triển vọng của các CTPTTN này.
PV: Thưa giáo sư, được biết giáo sư có rất nhiều tâm huyết cho sự nghiệp phát triển tài năng từ phổ thông đến đại học ở Việt Nam trong nhiều năm. Xin giáo sư cho biết qua vài nét tình hình đào tạo, bồi dưỡng tài năng của Việt Nam và thế giới hiện nay.
GS.TSKH. Hoàng Văn Kiếm: Việc đào tạo và phát triển tài năng là một nội dung hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực ở các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Từ những năm 1965 đến nay, Việt Nam đã xây dựng và hình thành hàng trăm trường phổ thông năng khiếu trên cả nước góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh giỏi, trở thành những chuyên gia, những nhà quản lý xuất sắc trong mọi hoạt động kinh tế xã hội của đất nước.
Bên cạnh những mô hình trường chuyên với đầu vào thật khắt khe, nội dung đào tạo nặng về những môn chuyên, thì xuất hiện các hệ thống hoạt động theo hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, trung tâm bồi dưỡng năng khiếu giúp phát hiện và bồi dưỡng các em học sinh phát triển tài năng theo khả năng của mình.
Đội ngũ chuyên gia đầu ngành tại SIU trong Lễ tốt nghiệp 2022
Đặc biệt ở bậc đại học, có 3 nhóm chính: (1) Nhóm các trường đại học tinh hoa, sinh viên vào học được sàng lọc rất cao, được học với các giáo sư tốt nhất hướng dẫn như đại học Harvard, Stanford, MIT và một số Đại học Quốc gia ở các nước khác. Tại đây, các em được tuyển vào học đã là những sinh viên có tố chất tài năng rất tốt. (2) Nhóm các trường đại học có chương trình đào tạo tài năng từ năm thứ 4. Một số trường tại Anh, Mỹ, Úc… cấp bằng cử nhân danh dự giúp học viên học tập chuyên sâu hơn và cơ hội việc làm rộng mở hơn; và cũng như ở VN, một số Đại học có những lớp cử nhân, kỹ sư tài năng tuyển đầu vào rất chặt và chương trình đào tạo chuyên sâu học thuật, những em có thành tích học tập xuất sắc, đạt tiêu chí yêu cầu của chương trình sẽ được học thêm một số chuyên đề nâng cao để chuyển sang bậc học cao hơn; (3) Một số trường đại học có những chương trình hoạt động giúp phát triển tài năng như các câu lạc bộ, trung tâm hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp sinh viên học theo sở thích, đam mê của chính mình.
PV: Có thể thấy CTPTTN tại các trường đại học đang được đẩy mạnh và trở thành một hướng đi chiến lược trong đào tạo để thu hút lực lượng tinh hoa, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Năm 2022, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) công bố nhiều chính sách phát triển tài năng ưu việt và học bổng toàn phần danh giá. Giáo sư có đánh giá như thế nào về tính khả thi của chương trình này?
GS.TSKH. Hoàng Văn Kiếm: Chương trình phát triển tài năng SIU mới công bố được đánh giá cao vì có những điểm mới hết sức đặc biệt. Đầu tiên là mới trong triết lý của chương trình với quan niệm mỗi sinh viên đều tiềm ẩn tài năng như câu nói của nhà bác học Albert Einstein "Mỗi con người đều là một thiên tài...". Thứ hai, mới trong nội dung đào tạo, rèn luyện năng lực tự học và kết nối quốc tế qua việc học một số chuyên đề mới từ các nền tảng học tập hiện đại của các trường hàng đầu thế giới như Stanford, Harvard, MIT,... Ngoài ra có nhiều điểm mới lạ trong cách xét tuyển, về môi trường đào tạo và trong cách đánh giá, xác nhận kết quả học tập.
Bên cạnh đó, SIU đã có những đầu tư tiên phong trong chuyển đổi số như xây dựng Trung tâm AI (SIU AI Lab) với trang bị server, robot nhập khẩu từ các hãng công nghệ tiên tiến NVIDIA, Lambda, PAL Robotics... hay các Trung tâm mô phỏng thực hành nghề nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
SIU đầu tư robot thế hệ mới từ PAL phục vụ cho hoạt động nghiên cứu học tập tại AI LAB
Ngoài ra, Đại học Quốc tế Sài Gòn cũng xây dựng đề án tăng cường kết nối đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng thông qua giải thưởng SIU Prize trên các lĩnh vực mũi nhọn về Trí tuệ nhân tạo (AI); Dữ liệu lớn (Big data); Khoa học quản lý xã hội và cộng đồng doanh nghiệp; Khoa học giáo dục & chuyển đổi số; Tài nguyên, môi trường và kinh tế biển; Sức khỏe và y tế.
Với nguồn lực vững mạnh của Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Á Châu (GAIE), tôi tin rằng SIU có sự chuẩn bị hoàn thiện cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất và sẽ trở thành một trung tâm tạo sự đột phá, tiên phong trong đào tạo và phát triển tài năng cho đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Ánh Dương