Làm việc linh hoạt - phương thức làm việc của tương lai

(Tổ Quốc) - Làm việc linh hoạt thực chất đã được áp dụng từ lâu trên thế giới với đa dạng các hình thức và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thách thức thường gặp phải đối với doanh nghiệp khi áp dụng phương thức này bao gồm việc thiếu sự tương tác trực tiếp, giảm khả năng tiếp cận thông tin, và đặc biệt là vấn đề về quản lý hiệu suất.

Những biến chuyển phức tạp của đại dịch Covid-19 đã khiến chúng ta buộc phải làm quen với cụm từ "Làm việc tại nhà" hay "Làm việc từ xa", và nhiều khi chúng ta dễ dàng liên tưởng nó với cách ly xã hội, tổn thất kinh doanh. Tuy nhiên, một khái niệm rộng hơn của Làm việc từ xa là "Làm việc linh hoạt" (LVLH) thực chất đã được áp dụng từ rất lâu trước đây với đa dạng các hình thức và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà LVLH được gọi là "Phương thức làm việc của tương lai" chứ không chỉ là lựa chọn tạm thời trong thời kỳ đại dịch.

Thế nào là làm việc linh hoạt?

LVLH là khái niệm dùng để chỉ các sắp xếp làm việc phi truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân phù hợp với người lao động (NLĐ) hoặc doanh nghiệp. Theo đó, chế độ LVLH được sử dụng để mô tả cho bất cứ sự sắp xếp làm việc nào khác ngoài chế độ làm việc truyền thống "8 giờ 1 ngày - 5 ngày 1 tuần".

Lợi ích của làm việc linh hoạt

Áp dụng LVLH giúp doanh nghiệp giảm đáng kể các chi phí cố định, các khoản hỗ trợ đi lại và chi phí tuyển dụng. LVLH hỗ trợ nâng cao năng suất lao động và tinh thần làm việc của nhân viên, đồng thời tăng cường tính kỷ luật, tự giác, giảm khả năng vắng mặt của NLĐ.

LVLH còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt đối với lực lượng lao động trẻ. Khảo sát của Zenefits chỉ ra 77% người lao động liệt kê LVLH là một trong những yếu tố quan tâm hàng đầu của họ khi đánh giá cơ hội nghề nghiệp tương lai.

Thực tế tại Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp tiên phong áp dụng đưa LVLH vào chính sách nhân sự trên cơ sở đánh giá bình đẳng giới dựa trên các tiêu chuẩn toàn cầu, trong đó có thể kể đến Tổng Công ty phát điện 3 (EVNGENCO3). Đại diện EVNGENCO 3 cho biết, trước những xu hướng làm việc mới, EVNGENCO 3 đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam lựa chọn là đơn vị tiên phong thực hiện triển khai thí điểm chế độ LVLH. Ngoài những lợi ích dễ nhận thấy như tiết kiệm thời gian đi lại, tăng ý thức trách nhiệm và tự chủ công việc, chế độ làm việc này còn hỗ trợ xây dựng môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động.

Bên cạnh đó, chính sách LVLH cũng sẽ cung cấp các giải pháp và lựa chọn để nữ giới có thể chủ động sắp xếp giữa công việc và gia đình, tạo điều kiện nắm bắt cơ hội thăng tiến. Ngược lại, khi tham gia LVLH, nam giới cũng được khuyến khích dành thời gian cho gia đình, chia sẻ việc nhà bên cạnh việc hoàn thành tốt công việc được giao. Nhờ đó, yếu tố bình đẳng và sự đa dạng, hòa nhập trong môi trường làm việc được thúc đẩy mạnh mẽ

Làm việc linh hoạt thế nào cho đúng?

LVLH rất đa dạng và phong phú về hình thức triển khai. Một số hình thức LVLH phổ biến có thể kể đến như làm việc từ xa, thời gian linh hoạt, tuần làm việc cộng dồn, làm việc theo ca, chia sẻ công việc… Không phải hình thức LVLH nào cũng phù hợp với tất cả các cá nhân và ngành nghề, các công ty có thể cân nhắc và áp dụng một cách khéo léo dựa trên đặc tính lĩnh vực của mình.

Thách thức thường gặp phải đối với doanh nghiệp khi áp dụng LVLH bao gồm việc thiếu sự tương tác trực tiếp, giảm khả năng tiếp cận thông tin, và đặc biệt là vấn đề về quản lý hiệu suất. Không có nhiều tổ chức ở Việt Nam phát triển được văn hoá làm việc từ xa nói riêng và LVLH nói chung, cũng như xây dựng được một chính sách LVLH hệ thống, đầy đủ và hoàn thiện. Vì vậy, đảm bảo hiệu suất làm việc của nhân viên luôn là một bài toán đau đầu với chủ doanh nghiệp.

Với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua những thách thức về sắp xếp lao động trong thời kỳ dịch bệnh cũng như chuẩn bị phương án làm việc bền vững cho tương lai, VBCWE đang thực hiện tư vấn triển khai chế độ LVLH tại một số doanh nghiệp tại Việt Nam. Đại diện EVNGENCO 3, một trong số những doanh nghiệp mà VBCWE đang hỗ trợ tư vấn LVLH cho biết, "VBCWE là một trong những tổ chức hàng đầu về thúc đẩy các giá trị bình đẳng tại nơi làm việc tại Việt Nam. VBCWE đã cùng EVNGENCO 3 hoàn thiện dự thảo quy định áp dụng thí điểm chế độ LVLH, thực hiện các chương trình tập huấn và triển khai tại các đơn vị của Tổng Công ty. Với hiểu biết chuyên sâu dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế, VBCWE đã thể hiện rõ tính chuyên nghiệp, là lựa chọn hàng đầu của các đơn vị cần triển khai chế độ LVLH."

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chế độ LVLH được đưa ra như một trong những lựa chọn nổi bật mà doanh nghiệp có thể áp dụng để hỗ trợ người lao động giải quyết những tác động tiêu cực liên quan đến năng suất lao động và sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên khi nhìn xa hơn, hướng đến tương lai thị trường lao động trong kỷ nguyên số, LVLH không còn là một lựa chọn. Đó là giải pháp thiết yếu giúp doanh nghiệp thu hút và tăng sức mạnh nguồn lực, củng cố văn hóa doanh nghiệp hướng tới phát triển một cách bền vững.

Để tìm hiểu thêm về các giải pháp xây dựng chính sách làm việc linh hoạt cũng như rà soát và tư vấn cải thiện môi trường làm việc, vui lòng liên hệ Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE): director@vbcwe.com hoặc đăng ký tại  https://vbcwe.com/dang-ky-tham-gia 

Ánh Dương

Tin mới