Ông Đỗ Hữu Thuận: Chuyển đổi số trong giáo dục, cần chuyển đổi từ tư duy

(Tổ Quốc) - Giáo dục luôn được coi là ngành mũi nhọn của đất nước, là nền tảng đánh giá sự phát triển tương lai và là trọng tâm sự đầu tư của mỗi quốc gia. Bởi vậy, trong bối cảnh kinh tế xã hội phát triển như hiện nay, chuyển đổi số trong Giáo dục là một xu hướng, một nhiệm vụ tất yếu.

Yêu cầu bức thiết cần Chuyển đổi số trong giáo dục

Tại buổi Hội thảo về "Nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức, TS Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, việc xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn 2021-2030 nếu không đặt nặng vấn đề chuyển đổi số mà tiếp tục như giai đoạn trước là tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thì rất vất vả mới có thể thành công và khó theo kịp sự phát triển của thời đại mới. Bản thân tôi thấy rất đồng tình và tâm đắc với ý kiến phát biểu này. Đó là một suy nghĩ đúng đắn, thể hiện một sự định hướng đúng đắn và tầm nhìn đáng ngưỡng mộ cho tương lai của ngành giáo dục, đồng thời cũng chính là tương lai của chúng ta. Bởi lẽ, phát triển giáo dục là phát triển tương lai của đất nước, là phát triển sự văn minh, tiến bộ, hiện đại cuộc sống của mình.

Trong khuôn khổ sự kiện "Ngày hội Công nghệ Giáo dục" do Sở Giáo dục & Đào tạo Hải Phòng phối hợp với Microsoft Việt Nam và Hachium tổ chức, khi được các lãnh đạo trong ngành chia sẻ về các bất cập của phương pháp giáo dục truyền thống trong lớp học như: chất lượng dạy học không đồng đều, không tối ưu được sự tập trung của học sinh, hạn chế thời gian và không gian, không có nơi lưu trữ tài liệu và nội dung bài giảng, ông Đỗ Hữu Thuận cho biết: Trong năm năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát khiến cho những khuyết điểm trên càng bị phóng đại gấp bội: 191 quốc gia đóng cửa trường học, 63 triệu giáo viên bị ảnh hưởng, 23.8 triệu trẻ em không thể đến trường vào năm 2021… Đó đều là những con số biết nói, là hồi chuông cảnh tỉnh thôi thúc chúng ta phải bắt tay vào công cuộc số hóa giáo dục ngay lập tức.

Đặc biệt trong bối cảnh như hiện nay, đại dịch toàn cầu Covid-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp và trở thành mối quan ngại lo lắng với toàn xã hội; khi các nước trên thế giới đều cố gắng không ngừng để khẳng định sự linh hoạt và tân tiến trong các phương án giáo dục của mình, có thể diễn ra và làm tốt nhiệm vụ trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu Việt Nam không chuẩn bị sẵn sàng cho những bước chuyển mình mới, không tiến về phía "số hóa" để hoàn thiện hành trình Chuyển đổi số trong giáo dục thì kết quả sẽ thật đáng buồn, đáng sợ và đáng trách.

Chuyển đổi số trong giáo dục: Sự thay đổi từ tư duy

Theo tôi, bất kỳ một sự thay đổi nào, điều quan trọng nhất để nó có thể phát triển bền vững và trở thành thói quen hay xa hơn nữa trở thành xu hướng chính là sự thay đổi từ tư duy. Khi bắt tay vào thực hiện những kế hoạch mới mẻ, nếu trong cộng đồng vẫn còn những tư tưởng cũ, những suy nghĩ thâm căn cố đế hằng tồn tại thì sự triển khai dường như là không thể. Vì vậy, sự thay đổi trong nhận thức, quan điểm và cách tiếp cận với công nghệ giáo dục là rất quan trọng và cần thiết trong công cuộc này.

Ngay từ những ngày đầu cả nước gồng mình chống dịch, học tập trực tuyến đã được áp dụng, làm quen dần dần và theo thời gian bây giờ đã trở thành một phương pháp hữu hiệu và tiện lợi, không chỉ được áp dụng rộng rãi trong khối trường học các cấp mà còn thành công thực hiện trong khối công sở, xí nghiệp, các cơ quan hành chính. Lợi ích của phương pháp này là điều không thể phủ nhận nhưng việc áp dụng nó sao cho hiệu quả với tất cả mọi người vẫn còn là một bài toán cần cá nhân mỗi người tự giải quyết và đưa ra giải pháp cho riêng mình. Phải tự hiểu và tự mình chuyển đổi chính mình, kết quả mới thành công và phát triển bền vững.

Ông Đỗ Hữu Thuận: Chuyển đổi số trong giáo dục, cần chuyển đổi từ tư duy - Ảnh 1.

Tôi muốn đưa ra ví dụ của một thầy giáo X đã lớn tuổi bao năm tâm huyết với việc truyền tải tri thức cho học sinh. Câu chuyện là kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, các phương pháp học tập trực tuyến phải làm nhiệm vụ thay thế cho cách học truyền thống thầy - trò gặp mặt trực tiếp như trước đây. Đối với một vị giáo có tuổi thì việc thích ứng và linh hoạt với các thao tác công nghệ này thực sự là một trở ngại lớn. Mắt kém, không thành thạo máy tính cũng như các thiết bị công nghệ, không hiểu cách thức hoạt động của các ứng dụng,... vô hình chung đã cản trở thầy tiếp cận với phương pháp giảng dạy mới này. Hơn nữa, tâm lý tuổi già ngại thay đổi, coi trọng những giá trị của những giáo dục truyền thống càng là vấn đề mấu chốt khó giải quyết của bài toán thay đổi tư duy.

Cơ hội và thách thức của Chuyển đổi số trong giáo dục trong bối cảnh hiện nay

Thiếu hành lang pháp lý, quy định về chương trình học trực tuyến; thời lượng học, kiểm tra đánh giá, kiểm định chất lượng và công nhận kết quả học trực tuyến hay thiếu nguồn đầu tư được coi là những thách thức lớn trong hành trình thực hiện công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục của Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, để thực hiện thành công chuyển đổi số, sự chuẩn bị về nền tảng công nghệ, tài chính, kho dữ liệu và quy trình bài bản, khoa học cũng là những vấn đề thiết yếu nhưng không dễ dàng có thể giải quyết nhanh chóng.

Tuy nhiên, với quan điểm của tôi, giáo dục tích hợp công nghệ vẫn là một lĩnh vực mới, một mảnh đất màu mỡ còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội để khai thác. Xác định đúng mục tiêu và chiến lược cho hành trình dài hơi cùng sự nghiệp giáo dục này, bạn sẽ tìm thấy ánh sáng rực rỡ, việc tiếp theo là đi theo nó, góp phần vào sự nghiệp số hóa giáo dục Việt Nam trong thời đại mới. Tuy khó khăn nhưng cũng đầy cơ hội cho chúng ta dấn thân và cống hiến.

Ánh Dương

Tin mới