(Tổ Quốc) - TDT có hoạt động kinh doanh chính là gia công may mặc. Lĩnh vực kinh doanh được cho là gặp nhiều khó khăn trong năm 2020, tuy nhiên, được các chuyên gia đánh giá có không ít cơ hội mở ra trong năm 2021.
Bối cảnh: Cơ hội và thách thức
Cơ hội: Với kịch bản lạc quan, dự kiến Quý III/2021 vắc xin Covid-2019 có thể được cung ứng đại trà ở các nước phát triển, qua đó cơ bản kiểm soát được dịch và nhu cầu hàng hoá sẽ dần hồi phục. Sau dịch, các quốc gia phát triển tập trung hồi phục kinh tế (bơm thêm tiền ra thị trường hoặc kích cầu tiêu dùng) dẫn đến gia tăng nhu cầu hàng hoá. Trong khi, nguồn cung ngay sau dịch bị sụt giảm mạnh vì gián đoạn sản xuất dẫn đến những đơn hàng lớn cần được đáp ứng bù. Điều này tạo cơ hội cho các đơn vị sản xuất, gia công có đủ năng lực và ở trạng thái sẵn sàng sản xuất ngay sau dịch (Việt Nam, Banglades, Campuchia…).
EVFTA và RCEP đi vào thực hiện cùng với dòng chảy chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc tiếp tục diễn ra, Việt Nam tiếp tục nổi lên là ứng viên sáng giá đón đầu xu thế dịch chuyển này. Đây là cơ hội tận dụng lợi thế từ các FTA với các thị trường tiêu thụ rộng lớn hàng đầu thế giới như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Về vĩ mô trong nước: năm 2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt qua cả mức trước khi đại dịch bùng phát. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định triển vọng của Việt Nam là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo.
Thách thức: Nhu cầu sản xuất hàng hoá phụ thuộc vào quá trình phục hồi nhu cầu từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc… Việc kiểm soát dịch bệnh chậm hơn hoặc vắc xin được cung ứng đại trà muộn hơn dự kiến khiến việc hồi phục bị lùi lại. Các thị trường như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ đòi hỏi những tiêu chuẩn cao từ nhà sản xuất. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam muốn nắm bắt cơ hội từ các FTA cần nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất, chất lượng đầu ra, cải thiện môi trường SXKD để đáp ứng nhu cầu.
TDT - Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành phải tạm dừng hoạt động, chuyển dịch ngành nghề hoặc thậm chí phá sản, TDT đã duy trì tốt hoạt động SXKD trong năm 2020 và đã mở rộng công suất, nâng cao công nghệ ở các nhà máy của mình. Điều nàytạo lợi thế đón đầu các đơn hàng xuất khẩu lớn và tận dụng lợi ích từ các FTA vì hoạt động xuất khẩu vẫn là chủ đạo, chiếm trên 90% doanh thu của TDT, tập trung ở các thị trường lớn EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng các đơn hàng lớn hơn từ các khách hàng
Nhiều khách hàng hiện tại của TDT mong muốn đặt những đơn hàng lớn hơn, tuy nhiên, do năng lực sản xuất còn chưa lớn nên TDT đã phải tạm thời từ chối và chỉ sản xuất đủ theo khả năng. Do đó bài toán đầu tư nâng cao năng lực và công nghệ sản xuất là cấp bách với Công ty. Về hoạt động sản xuất: TDT có 2 nhà máy chính là Nhà máy Điềm Thuỵ và Nhà máy mới - chi nhánh TDT Đại Từ. Ngoài ra Công ty còn có 1 nhà máy nhỏ thuộc Nhà máy Điềm Thụy và Bộ phận kinh doanh FOB. Nhà máy Điềm Thụy tại trục đường Tỉnh lộ có quy hoạch 4,5 ha với công suất 24 chuyền đã đi vào hoạt động ổn định và còn ưu đãi thuế TNDN 50% đến hết năm 2022. Nhà máy đã hoạt động full công suất. Nhà máy mới - Đại Từ quy hoạch 9,5 ha chia làm 02 giai đoạn đầu tư: Giai đoạn 1 đã giải phóng trong năm 2019 là 05 ha, đã xây dựng nhà máy giai đoạn 1 với công suất 28 chuyền may đi vào hoạt động được 15 chuyền năm 2020. Do đại dịch Covid-19 nên công ty chủ động chưa tăng thêm chuyền, nhưng 2021 đã đàm phán làm việc với nhiều khách hàng lớn để xác nhận năng lực sản xuất và sẽ chạy full công suất vào cuối năm 2021.Để tiếp tục kế hoạch đặt ra, Hội đồng quản trị sẽ họp và quyết định tiếp tục mở rộng nốt 4,5 ha còn lại (giai đoạn 02) để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Dự kiến tăng thêm 20-25 chuyền và làm một số công tác phụ trợ cho ngành để khép kín thêm chuỗi. Bộ phận kinh doanh FOB sẽ làm việc độc lập với các nhà máy, tìm kiếm các nhà máy ngoài hệ thống TDT để đưa hàng FOB đi gia công khi cần, nhằm tăng năng lực sản xuất và tăng thêm doanh thu cho Công ty.
Kế hoạch tăng trưởng mạnh
Ngày 26/12/2020 vừa qua, Hội đồng quản trị TDT cũng đã ban hành Nghị quyết về việc giao khoán kế hoạch SXKD năm 2021 cho Ban Tổng Giám đốc, theo đó kế hoạch doanh thu năm 2021 là 475,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 41,5 tỷ đồng (tương đương EPS ~ 3000). Các con số kế hoạch này tăng mạnh so với thực hiện năm 2019 cũng như 9 tháng đầu năm 2020.
Kế hoạch kinh doanh Hội đồng quản trị TDT giao cho Ban Tổng Giám đốc năm 2021 cho thấy quyết tâm của BLĐ và niềm tin vào nội lực của TDT sẽ nắm bắt được những cơ hội trong năm mới 2021.
Ánh Dương