(Tổ Quốc) - Tại khách sạn Pan Pacific, chương trình hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp trong thời đại số” đã được tổ chức thành công tốt đẹp với sự tham gia chia sẻ của các diễn giả là các chuyên gia đầu ngành và sự góp mặt của gần 250 chủ doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp hình thành và phát triển song song với quá trình phát triển của doanh nghiệp, không đơn thuần chỉ là văn hóa giao tiếp mà còn bao gồm cả giá trị cốt lõi, các quy tắc, phong cách quản lý, phương thức kinh doanh và hành vi, thái độ của mọi thành viên thuộc doanh nghiệp. Tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp phát huy khi nó giúp doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi trong môi trường bên ngoài, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng như hiện nay. Nhưng trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách vượt qua khủng hoảng để bước tiếp trên thương trường có quá nhiều rào cản. Đó chính là lý do đưa đến sự ra đời của chương trình tọa đàm "Văn hóa doanh nghiệp trong thời đại số".
Tham gia chương trình, các khách mời đã được lắng nghe những chia sẻ xoay quanh vấn đề thay đổi từ cách nhìn về chính sách Chính phủ tới nắm bắt xu thế thế giới và nhu cầu của khách hàng từ các chuyên gia. Ông Nguyễn Hữu Thái Hoà - chuyên gia kinh tế, chiến lược cách mạng 4.0 cho rằng: "Trong thời kỳ chuyển đổi số chủ doanh nghiệp phải xác định: Bạn là ai? Bạn làm được gì? Doanh nghiệp bạn sẽ đi về đâu? Trong thời kỳ dịch bệnh doanh nghiệp nắm bắt áp dụng công nghệ 4.0 chuyển từ offline sang online, sáng tạo trong quản lý và điều hành doanh nghiệp. Trong tình thế sinh tồn doanh nghiệp, người lãnh đạo phải có bản lĩnh, trở thành người truyền lửa, truyền cảm hứng để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn".
Chia sẻ quan điểm của mình, chuyên gia Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: "Trước khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp người lãnh đạo phải xây dựng văn hoá cá nhân, tạo nền tảng văn hoá gia đình tốt để là tấm gương sáng cho con cái. Tương tự vậy, văn hóa doanh nghiệp là xây dựng nền tảng phát triển kinh tế, văn hoá quốc gia là nền tảng phát triển xã hội. Tại thời điểm này nhà mặt phố không bằng doanh nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh, do đó người chủ doanh nghiệp phải hết sức nhạy bén trong cuộc đua khốc liệt này".
Còn về phía mình, chuyên gia Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng: "Doanh nhân phải biết tự chăm lo sức khỏe cho bản thân, bởi mình có khỏe thì doanh nghiệp mới phát triển được, nhất là nữ doanh nhân với rất nhiều trọng trách và áp lực, phải tự biết cân bằng và biết thế nào là đủ,...". Bên cạnh đó, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng CEO phải tư duy tích cực, thiết lập kỷ cương, dám nghĩ, dám làm, đột phá. Trong thời đại số, CEO cần phải có "4 T" bao gồm: Thông tin, Thương hiệu, Trí thức và Trách nhiệm với xã hội thì mới có thể phát triển bền vững.
Ngoài ra, Moderator Bà Lê Dung - TGĐ Công ty CP Đào tạo và phát triển nhân lực DGroup chia sẻ: "Văn hóa doanh nghiệp không phải vấn đề mới nhưng nó cũng chưa bao giờ là cũ. Chưa cũ bởi trong hơn 700 nghìn doanh nghiệp Việt Nam thì tỷ lệ hiểu và phát huy được yếu tố văn hóa trở thành sức mạnh chưa thực sự nhiều, có lẽ chưa tới 5%, đa số các doanh nghiệp Việt thường chỉ tập trung nguồn lực của mình để giải quyết các bài toán cấp bách nhưng thiếu đi tầm nhìn và tính bền vững... Chính vì vậy, chuỗi những buổi hội thảo tương tự nhằm tăng tính kết nối và lan tỏa giá trị tri thức giúp Doanh nghiệp nhanh chóng lựa chọn, quyết định con đường phát triển Doanh nghiệp của mình bền vững hơn."
Bên cạnh đó, tham gia sự kiện, các khách mời cũng được trực tiếp giao lưu với các chuyên gia, bày tỏ những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải. Bằng những vốn kinh nghiệm phong phú, các chuyên gia đã giải quyết những băn khoăn, thắc mắc của chủ doanh nghiệp một cách nhanh chóng và hết sức thuyết phục.
Như vậy, chỉ trong một vài giờ chia sẻ ngắn ngủi, buổi tọa đàm "Văn hóa doanh nghiệp trong thời đại số" do Công ty Dịch Vụ Mobifone Khu vực I tổ chức, đã mang lại những kiến thức hữu ích cho chủ doanh nghiệp trên hành trình xây dựng và củng cố doanh nghiệp hậu Covid - 19.
Ánh Dương