(Tổ Quốc) - Văn hóa Hội đồng quản trị có lẽ là cụm từ “lạ tai” đối với nhiều người nhưng lại có ý nghĩa sống còn với doanh nghiệp.
Chính vì lý do đó, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) đã tổ chức Chương trình "Directors Talk" #5 nhằm chia sẻ kiến thức, thông tin - trao đổi với khách mời và cùng đưa ra những kinh nghiệm thực tế về điều nên làm, điều cần tránh trong hành trình xây dựng một doanh nghiệp bền vững.
Văn hóa Hội đồng Quản trị là gì?
Trong vai trò diễn giả tại Chương trình "Directors Talk" số 5 của VIOD với chủ đề "Văn hóa Hội đồng Quản trị - Kim chỉ nam để phát triển Văn hóa Doanh nghiệp bền vững" do VIOD tổ chức, Tiến sĩ Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, đã giải thích một cách "bình dị" nhất cho câu hỏi: Văn hóa Hội đồng Quản trị là gì?
"Đôi khi chúng ta ngại hỏi các câu hỏi ngây thơ, hồn nhiên nên bị xa rời giá trị căn bản nhất. Văn hóa Hội đồng Quản trị nói ngắn gọn chính là Văn hóa ông chủ (hoặc người chủ). Đó là cách sống, cách làm người của ông chủ. Làm ăn cũng như làm người nhưng làm ăn nhỏ hơn, chỉ là một phần trong con đường làm người. Nhìn vào cách làm ăn của ai đó, sẽ đoán biết được đó là người thế nào", ông Giản Tư Trung chia sẻ.
Thực tế, Văn hóa ông chủ quyết định văn hóa lãnh đạo. Văn hóa lãnh đạo định hình văn hóa doanh nghiệp. Lãnh đạo do ông chủ chọn nên văn hóa lãnh đạo không thể thoát được văn hóa ông chủ. Còn lãnh đạo sẽ định hình văn hóa doanh nghiệp…. Đây là mối quan hệ rõ ràng và không thể tách rời.
Theo quan điểm của lãnh đạo Trường Doanh Nhân PACE, văn hóa là những gì còn lại khi mất hết, là những gì mình cần khi có đủ mọi thứ. Thất bại về chiến lược có thể làm lại, nhưng thất bại về giá trị, về văn hóa có thì khó có thể thậm chí không thể làm lại được.
Khi đã nhận thức rõ thế nào là Văn hóa Hội đồng quản trị, ông Trung chỉ ra 5 lý do phổ quát khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể thành công. Thứ nhất là thiếu nhận thức sâu sắc về văn hóa. Tiếp đến là thiếu giấc mơ rõ ràng về văn hóa. Thứ ba là thiếu phương pháp khoa học. Thứ tư là thiếu giải pháp cụ thể và cuối cùng là thiếu sự bền bỉ.
"Văn hóa không phải thứ có thể hình thành sau một đêm. Chúng ta cần thời gian. Nhiều người không thể thành công khi xây dựng văn hóa vì quá chú trọng bản sắc, không để tâm tới nền tảng với giá trị phổ quát và nguyên lý trường tồn. Giống con người, ai cũng có cá tính. Nhưng cá tính phải dựa trên nhân tính", ông Trung nói.
Sơ đồ giá trị trong cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp.
"Trong hội đồng quản trị, ai đúng không quan trọng mà quan trọng là cái gì đúng. Niềm hạnh phúc nhất của lãnh đạo là có người cộng sự có thể làm thay đổi quyết định của mình. Sếp không phải là trở thành anh hùng mà cần tạo ra người hùng. Khi tạo ra người hùng thì sếp thành siêu anh hùng", ông Trung nhấn mạnh.
Cái nôi giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và lâu dài
Điều phối phiên thảo luận trong chương trình, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam, Chủ tịch HĐQT VIOD, nhấn mạnh vai trò của Văn hóa Hội đồng Quản trị đối với sự thành công và bền vững của doanh nghiệp. Trong kỷ nguyên số cùng với toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa càng cần được chú trọng để doanh nghiệp có bản sắc của riêng mình, gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Với tinh thần đó, bà Hà Thu Thanh cũng nêu ra những vấn đề gai góc để các diễn giả tham gia phiên thảo luận có thể giải đáp hoặc chia sẻ kinh nghiệm của chính họ từ quá trình quản lý, điều hành các doanh nghiệp.
Mở đầu phần thảo luận, Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty CP Cơ điện lạnh REE, rất đề cao việc VIOD tổ chức một chương trình với nội dung trúng và đúng những vấn đề các doanh nghiệp đang quan tâm. Từ câu chuyện của REE, bà Thanh cho biết kể từ khi công ty cổ phần hóa tới nay, chính trong quá trình vận hành và học hỏi đã hình thành nên văn hóa Hội đồng Quản trị.
Ông Ngô Đình Đức, sáng lập và Tổng Giám đốc, Công ty CP Tư vấn POCD; thành viên chương trình DCP11, cho rằng trong HĐQT, cảnh giới chính là các thành viên phải tạo ra môi trường cho tất cả các giá trị, chuẩn mực cho các công ty được hoạt động, chia sẻ, lan tỏa đến từng cấp độ trong đơn vị.
Với kinh nghiệm quản trị lâu năm, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Thành viên HĐQT VIOD; thành viên chương trình DCP11, cũng khẳng định tầm quan trọng, thậm chí là linh thiêng của văn hóa, đối với mỗi doanh nghiệp.
Qua phần thảo luận của những "người trong cuộc" là lãnh đạo các doanh nghiệp và những người có bề dày thực hành về quản trị, Tiến sĩ Giản Tư Trung chia sẻ: "Tôi hiểu rõ tại sao VIOD ra đời. Chúng ta đều mong muốn chuyên nghiệp hóa HĐQT, Hội đồng Thành viên. Văn hóa là phần không thể thiếu của doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có muốn xây dựng Văn hóa HĐQT hay không? Nếu muốn chắc chắn sẽ làm được".
Ánh Dương