Viện bảo tàng tư nhân: Khát khao lan tỏa tinh hoa nhân loại của người Nhật

(Tổ Quốc) - Không phải công trình kiến trúc đồ sộ, những món đồ xa hoa như số đông vẫn mường tượng; một viện bảo tàng lưu trữ các kiệt tác nghệ thuật được sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới mới là cách giới thượng lưu Nhật khẳng định vị thế và những đóng góp cho xã hội.

Một vòng quanh Nhật Bản, theo thống kê có 5,614 bảo tàng trải khắp xứ sở hoa anh đào với đa dạng chủ đề từ lịch sử, nghệ thuật đến khoa học,… Trong số đó, đóng góp không nhỏ phải kể đến những bảo tàng tư nhân được sở hữu bởi các gia tộc, tập đoàn giàu có như: Nezu Museum (gia tộc Nezu), Menard Art Museum (gia tộc Menard), Kubota Itchiku Art Museum (nghệ nhân nhuộm vải Itchiku Kubota),… Đây được xem là điểm khác biệt giữa Nhật Bản và các quốc gia phương Tây – nơi giới sưu tầm chuyên nghiệp thường mang tác phẩm nghệ thuật tới trưng bày tại bảo tàng công.

Từ niềm say mê cá nhân…

Có thể nói lý do khởi sự cho những viện bảo tàng tư nhân tại Nhật Bản phần lớn đều xuất phát từ đam mê cá nhân của người đứng đầu tập đoàn. Ví như ai đó trải nghiệm và kể lại rằng phải tới tận bảo tàng Kubota Itchiku Art Museum nằm gần hồ Kawaguchi (Yamanashi), phải mục sở thị đủ 104 thiết kế Kimono được tạo ra bằng kỹ thuật độc nhất do chính ông chủ Itchiku Kubota sáng tạo mới cảm nhận rõ tinh thần nghệ thuật bất diệt mà nghệ nhân nhuộm vải ấy tôn thờ.

Viện bảo tàng tư nhân: Khát khao lan tỏa tinh hoa nhân loại của người Nhật - Ảnh 1.

Không gian rực rỡ sắc màu tại bảo tàng Kubota Itchiku Art Museum.

Hay như bảo tàng Nezu Museum vốn bắt nguồn từ bộ sưu tập của cá nhân ngài Nezu Kaichiro - chủ tịch công ty đường sắt Tobu lúc sinh thời. Sau khi ông mất, người con trai thành lập viện bảo tàng nhằm tưởng nhớ người cha quá cố đã đặt nền móng cho sự phát triển của gia tộc.

Không chỉ là sở thích cá nhân, hình thức nghệ thuật này còn là cách khẳng định dấu ấn độc tôn của mỗi gia tộc đương thời. Điều này lý giải cho sự khác biệt và độc nhất của hàng trăm bảo tàng tư nhân khác nhau tại Nhật Bản, không nơi nào giống nơi nào.

…đến khát vọng kiến tạo di sản và lan tỏa giá trị nhân văn

Tình yêu nghệ thuật là chưa đủ, khát vọng trong mỗi vị chủ nhân của bảo tàng còn lớn lao hơn thế, đó là ước mơ kiến tạo di sản cho hậu thế, nỗ lực gìn giữ và truyền bá những giá trị văn hóa cao đẹp cho cộng đồng.

Nếu chỉ dừng lại ở đam mê cá nhân với nghệ thuật phương Tây, ngài Nonogawa Daisuke – cố chủ tịch tập đoàn mỹ phẩm Menard có thể đặt bộ sưu tập nức tiếng với giới sưu tầm thời bấy giờ một cách trang trọng trong không gian riêng tư của gia tộc. Tuy nhiên, ngài lựa chọn một phương cách cao cả và mang đầy tâm huyết dành cho cộng đồng: thiết kế không gian thưởng lãm nghệ thuật mang tên Menard Art Museum, tọa lạc tại tỉnh Aichi - nơi hội tụ và trưng bày hơn 1.500 tác phẩm tinh hoa từ khắp nơi trên thế giới, được ví như lãnh địa của cái Đẹp.

Viện bảo tàng tư nhân: Khát khao lan tỏa tinh hoa nhân loại của người Nhật - Ảnh 2.

Menard Art Museum nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Fanpage Menard Art Museum

Ở đó, thời gian như ngừng trôi, âm thanh như lắng đọng thành giọt như không muốn làm phiền những du khách đang say sưa ngắm nhìn các tác phẩm, đến nỗi người ta nói rằng có thể nghe được cả những tiếng nín thở khi đối diện với kiệt tác của những Picasso, Van Gogh, Matisse, Piere-Auguste Renoir hay Morikazu Kumagai,… Vượt trên khỏi đam mê cá nhân của ngài chủ tịch, Menard Art Museum mang trong mình những giá trị cao đẹp hơn, trở thành điểm gặp gỡ của những tâm hồn yêu cái Đẹp và nghệ thuật.

Ngày nay, những viện bảo tàng tư nhân Nhật Bản vẫn tiếp tục gìn giữ và lan tỏa những giá trị ý nghĩa mà các vị chủ tịch đã đặt nền móng, song trách nhiệm còn nằm ở người thừa kế của gia tộc. Cụ thể, ông Junichi Nonogawa – người nối nghiệp gia tộc Menard nỗ lực làm dày thêm bộ sưu tập nghệ thuật tại Menard Art Museum, đồng thời vun đắp và lan tỏa giá trị tới cộng đồng với tư duy sáng tạo và đổi mới.

Mỗi tháng, các tác phẩm của Menard Art Museum được luân chuyển trưng bày theo từng chủ đề sáng tạo khác nhau. Bên cạnh đó, những kiệt tác này còn được truyền tải với nhiều hình thức khác nhau như một niềm tự hào của thương hiệu. Mùa xuân hàng năm, Menard trang trọng thiết kế những bộ lịch năm mới lấy cảm hứng từ những tác phẩm nghệ thuật đang được trưng bày, trao tận tay tới tri kỷ là các đối tác, khách hàng,… tại những quốc gia mà thương hiệu đang có mặt, trong đó có Việt Nam.

Viện bảo tàng tư nhân: Khát khao lan tỏa tinh hoa nhân loại của người Nhật - Ảnh 3.

Bộ lịch 2021 mang tên "Niên-Hoa" quy tụ 12 tác phẩm đặc sắc theo chủ đề "Hoa - Flowers" từ Menard Art Museum. Ảnh: Fanpage Menard Art Museum

Mùa xuân 2021, bộ lịch mang tên "Niên-Hoa" – Tập hợp 12 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ứng với 12 tháng trong năm theo chủ đề "Hoa – Flowers" được Menard lựa chọn với ngụ ý sâu sắc. Dường như những biến động của năm 2020 khiến thế giới ít bận tâm về cái Đẹp trong cuộc sống. Nhưng cái Đẹp vẫn luôn tồn tại, vì niềm tin về những điều tốt lành sẽ tới cũng là một nét Đẹp mà đôi khi chúng ta vô tình lãng quên. Đó cũng chính là những giá trị mà Menard Art Museum nói riêng cũng như các viện bảo tàng tư nhân Nhật Bản nói chung luôn gìn giữ, là động lực để các không gian văn hóa duy trì và nỗ lực lan tỏa tới cộng đồng.

Ánh Dương

Tin mới