Vinasamex – Doanh nghiệp quế, hồi hữu cơ tăng trưởng ấn tượng

(Tổ Quốc) - Sự kiện gọi vốn đầu tiên vừa diễn ra ngày 7/4 của Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) nhận được sự chú ý của giới đầu tư tài chính, đặc biệt là những nhà đầu tư quan tâm và nhìn thấy tiềm năng của sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Là doanh nghiệp nông sản hiếm hoi của Việt Nam đạt 11 chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có 4 chứng nhận hữu cơ của các thị trường cao cấp nhất thế giới, Vinasamex đã dành hơn 10 năm giải "bài toán" khó nâng tầm sản phẩm gia vị và hương liệu Việt Nam trên thị trường, song song với cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngàn hộ nông dân bản địa. 

Kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng


Vinasamex – Doanh nghiệp quế, hồi hữu cơ tăng trưởng ấn tượng - Ảnh 1.

Tất cả sản phẩm của Vinasamex có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vùng trồng.

Ngay ở thời điểm "cơn bão" Covid-19 nhấn chìm nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh thu của Vinasamex vẫn tăng gần 60% trong năm 2021. Những con số được đặt trong bối cảnh doanh nghiệp đã tập trung sản xuất hữu cơ từ năm 2013, cho thấy hướng đi đúng đắn và bền vững. Giá các sản phẩm có chứng nhận hữu cơ cao hơn nhiều sản phẩm thường, nâng cao đáng kể thu nhập của người dân. 

"Ví dụ, năm 2015 thu nhập của một hộ gia đình Tày – Nùng ở vùng trồng của chúng tôi chỉ khoảng 7-10 triệu/ha, nhưng đến năm 2021, con số đó đã tăng lên 150 triệu/ha – nghĩa là hơn gần 20 lần", bà Nguyễn Thị Huyền – Tổng Giám đốc Vinasamex cho biết.

Hiện nay Vinasamex đã xây dựng được 4367 ha vùng nguyên liệu quế, hồi, nghệ hữu cơ, liên kết với 2115 hộ dân tại các tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai và Bắc Kạn. Người nông dân hợp tác với Vinasamex được bao tiêu 100% đầu ra với giá cao hơn giá thị trường (10-15%). Trong năm 2022, công ty này sẽ mở thêm 2 chi nhánh và văn phòng tại Hà Lan (trung tâm gia vị thế giới) và tại Mỹ (thị trường tiêu thụ gia vị lớn nhất thế giới mà Vinasamex đã bước vào được với ba nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ).

Bên cạnh 4 vùng nguyên liệu chính (Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Kạn), Vinasamex cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với huyện Cam Lộ (Quảng Trị) để phát triển 20.000 ha quế, tạo việc làm cho 400-500 lao động địa phương.

Không bỏ lỡ thị trường dồi dào tiềm năng

Các nghiên cứu mới nhất khẳng định rằng thị trường gia vị hữu cơ thế giới sẽ tăng trưởng tối thiểu 4,6% mỗi năm và đạt tổng giá trị 15,4 tỷ USD trong 10 năm tới. Riêng thị trường quế, từ nay đến 2025, trung bình tăng trưởng mỗi năm là 14%.

Vinasamex – Doanh nghiệp quế, hồi hữu cơ tăng trưởng ấn tượng - Ảnh 2.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Huyền trình bày biểu đồ giá các gia vị chính trên thế giới từ 2010-2018, trong đó quế ghi nhận sự tăng giá đột biến.

Nguyên nhân là nhu cầu về quế tăng, do đây là một loại thực phẩm bổ sung có lợi cho sức khoẻ. Giá quế tăng cao còn do sự sụt giảm sản lượng quế của Indonesia– lâu nay là nguồn cung quế lớn nhất thế giới. Đợt tăng giá này khiến quế Việt Nam được hưởng lợi. Đơn cử, giá trị xuất khẩu quế của Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn 2012-2021 tăng theo cấp số nhân: từ chưa đầy 5 triệu USD năm 2012 tăng lên 52,83 triệu USD năm 2021. Số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cho biết tổng diện tích trồng quế ở Việt Nam là khoảng 150.000 ha, chiếm 17% sản lượng toàn cầu.

Vinasamex – Doanh nghiệp quế, hồi hữu cơ tăng trưởng ấn tượng - Ảnh 3.

Sa bàn minh hoạ các nhà máy và vùng nguyên liệu đang và sẽ được Vinasamex triển khai.

Sẵn có thế mạnh, kết quả kinh doanh khả quan, cùng tham vọng khẳng định vị thế thương hiệu nông sản Việt Nam trên bản đồ thế giới, Vinasamex vừa chào bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư cá nhân, với tổng giá trị 135 tỷ đồng, tương đương mức phát hành 38.000 đồng/cổ phần. Nguồn vốn huy động sẽ được đầu tư vào các nhà máy mới, chế biến quy mô đạt chuẩn thế giới, tạo ra những sản phẩm chế biến sâu và giá trị cao hơn. 

Cụ thể, trong giai đoạn 1, Vinasamex sẽ triển khai xây dựng nhà máy tại Lào Cai trên diện tích 2,2 ha, công suất 2.000 tấn quế tươi/năm, sản xuất 140 tấn tinh dầu quế/năm. Giai đoạn 2 là nhà máy tại Lạng Sơn quy mô 1,6 ha, công suất mỗi năm là 2.000 tấn quế, 1.000 tấn hoa hồi, 80 tấn tinh dầu hoa hồi. Giai đoạn 3, Vinasamex dự kiến xây dựng nhà máy 10 ha tại Lào Cai với công suất có thể lên đến 10.000 tấn quế mỗi năm.

Theo lộ trình IPO, sau đợt huy động vốn từ các nhà đầu tư "Angel" năm 2022, công ty sẽ tiếp tục thực hiện các vòng gọi vốn series A - VC, series B - PE và series C - PE trước khi thực hiện chào bán cổ phần ra công chúng vào năm 2026.

Vinasamex – Doanh nghiệp quế, hồi hữu cơ tăng trưởng ấn tượng - Ảnh 4.

Vinasamex đặt mục tiêu trở thành thương hiệu trong lĩnh vực gia vị và hương liệu hữu cơ đầu tiên của Việt Nam được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Ánh Dương

Tin mới