(Tổ Quốc) - Theo Bloomberg Billionaires Index, các "sếp" bất động sản giàu nhất Trung Quốc chứng kiến tài sản giảm tổng cộng hơn 46 tỷ USD trong năm nay. Riêng Hứa Gia Ấn mất 17,2 tỷ USD - một trong những tỷ phú mất nhiều tiền nhất trong năm 2021.
Hồi tháng 7, nhà sáng lập Evergrande Hứa Gia Ấn đã tươi cười khi tham dự sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đối với nhiều người, sự niềm nở của ông là một dấu hiệu cho thấy chính phủ vẫn ủng hộ Evergrande và điều đó đã mang lại sự thúc đẩy lớn với trái phiếu của công ty.
Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư nào vẫn giữ hy vọng rằng Evergrande quá lớn để sụp đổ thì điều đó đã trở nên xa vời. Cả trái phiếu và cổ phiếu của nhà phát triển này đang giao dịch ở mức gần thấp kỷ lục, sau khi công ty này không thể thanh toán các khoản nợ. Tuần trước, Fitch Ratings cũng gán mác "vỡ nợ hạn chế" đối với Evergrande.
Các "ông trùm" bất động sản Trung Quốc đang trải qua 1 năm tồi tệ chưa từng thấy ít nhất là năm 2012, khi chính phủ nỗ lực giảm áp lực nợ của các công ty này và Chủ tịch Tập Cận Bình đặt mục tiêu "thịnh vượng chung".
Theo Bloomberg Billionaires Index, các "sếp" bất động sản giàu nhất Trung Quốc chứng kiến tài sản giảm tổng cộng hơn 46 tỷ USD trong năm nay. Riêng Hứa Gia Ấn mất 17,2 tỷ USD - một trong những tỷ phú mất nhiều tiền nhất trong năm 2021.
Terence Chong - phó giáo sư tại Đại học Hong Kong, cho biết: "Lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc đã phát triển rất nhanh trong 2 thập kỷ qua nhờ điều kiện đi vay dễ dàng và thúc đẩy sự giàu có một cách nhanh chóng. Tiến trình này sẽ dần chậm lại khi các ngân hàng thu hẹp hạn mức tín dụng. Trung Quốc đang thay đổi và bất động sản sẽ không còn là xu hướng chủ đạo trong tương lai."
Hiện tại, Trung Quốc đang nỗ lực ổn định nền kinh tế, khi lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 1/4 GDP. Việc ban hành các quy tắc tài chính mới vào năm ngoái nhằm ngăn chặn bong bóng bất động sản đã khiến các chủ đầu tư lao đao sau nhiều năm dựa vào đòn bẩy để tăng trưởng. Kết quả là, khoảng 15 công ty đã vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp vào năm 2021 và các "ông chủ" phải chi ít nhất 3,8 tỷ USD tài sản của mình để giúp trả nợ. Trong khi đó, người mua nhà vẫn ở trạng thái mông lung, không biết khi nào họ mới nhận được nhà.
Cuộc khủng hoảng đã khiến những đại gia bất động sản mất số tiền đáng kể. Từng là người giàu thứ 2 châu Á với khối tài sản 42 tỷ USD, ông Hứa hiện chỉ sở hữu 6,1 tỷ USD khi cổ phiếu do các công ty ông điều hành sụt giảm và chính phủ yêu cầu ông dùng "tiền túi" để trả nợ. Đầu tháng này, thống đốc PBOC cho biết vụ việc của Evergrande phải được thị trường xử lý, báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ không giải cứu họ với khoảng nợ hơn 300 tỷ USD.
Sự xáo trộn của lĩnh vực bất động sản cũng nhấn chìm một trong những công ty được coi là "ông lớn" trong ngành là Shimao Group Holdings Ltd. Trái phiếu và cổ phiếu của công ty này đã lao dốc mạnh do lo ngại về việc họ không đủ tiền mặt để trả nợ và một thoả thuận giữa 2 đơn vị của công ty làm dấy lên mối lo ngại về hoạt động quản trị. Đối với nhà sáng lập Hui Wing Mau - bắt đầu đầu tư bất động sản vào cuối những năm 1980, tài sản của ông đã giảm từ 5,2 tỷ USD xuống 4,4 tỷ USD trong năm nay.
Ngoài ra, một số "ông trùm" cũng không còn là tỷ phú. Tài sản của gia đình Kwok đứng sau Kaisa Group mất gần 90% trong năm nay xuống còn khoảng 160 triệu USD. Trogn khi đó, chủ tịch Zhang Yuanlin của Sinic Holdings chứng kiến 75% cổ phần mất gần như toàn bộ giá trị chỉ trong 1 ngày.
Hiện tại, chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế và ngăn không cho bong bóng xảy ra. PBOC đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng vào đầu tháng này. Các nhà kinh tế dự đoán quốc gia này sẽ đưa ra thêm biện pháp kích thích tài khoá vào năm tới.
Song, theo Angela Zhang, phó giáo sư tại khoa luật của Đại học Hồng Kông, cuộc khủng hoảng lần này của các nhà phát triển khó có khả năng tái cơ cấu dễ dàng như các công ty giống HNA Group trước đây.
Tham khảo Bloomberg
Chi Lan