(Tổ Quốc) - Cùng với thói quen tiền bạc có chủ đích, bạn cũng có khả năng mang những khuynh hướng vô thức ảnh hưởng đến việc ra quyết định tài chính và bạn có thể bị mất tiền.
Mọi người đều có quan điểm khác nhau về tiền bạc. Nếu bạn nghĩ về những người trong cuộc sống của mình, những kiểu người điển hình sẽ xuất hiện. Một số người thích chi tiêu cho những thứ họ muốn và những người khác sẽ chỉ đưa cho bạn một đồng niken khi họ lìa đời. Có lẽ bạn biết một người nào đó cặm cụi kiếm tiền để nghỉ hưu trong khi một người khác thường xuyên làm các việc rủi ro.
Các tác giả của một nghiên cứu tài chính hành vi mới từ Morningstar cho biết, cùng với thói quen tiền bạc có chủ đích, bạn cũng có khả năng mang những khuynh hướng vô thức ảnh hưởng đến việc ra quyết định tài chính khiến bạn có thể bị mất tiền. Gần như trong tất cả 1.211 người trả lời khảo sát, 98% thể hiện một hoặc nhiều khuynh hướng về tài chính. Hãy cùng xem những khuynh hướng này là gì và bạn có thể làm gì với chúng.
Những khuynh hướng chung dẫn đến hành động tiền bạc tồi tệ
Nhóm nghiên cứu tài chính hành vi của Morningstar phát hiện ra rằng gần như tất cả người Mỹ có ít nhất một trong bốn khuynh hướng phổ biến. Mức độ của những khuynh hướng này càng cao thì kết quả tài chính càng kém hơn so với các đồng nghiệp, bao gồm điểm tín dụng kém hơn, số dư tài khoản tiết kiệm và đầu tư thấp hơn. Bốn khuynh hướng phổ biến là:
1. Khuynh hướng hiện tại: Xu hướng hưởng thụ ngay lập tức thay vì các mục tiêu dài hạn. Một người có xu hướng này có thể trả nhiều tiền cho hàng hóa và dịch vụ đem lại cho họ sự hài lòng ngay lập tức mà không quan tâm tới tiền dành cho nghỉ hưu.
2. Bỏ qua đánh giá cơ bản: Xu hướng đánh giá xác suất xảy ra vấn đề dựa trên thông tin mới, dễ tiếp cận, trong khi bỏ qua các giả định ban đầu. Ví dụ, các nhà đầu tư có xu hướng phản ứng thái quá với thông tin mới về một cổ phiếu, thường bán tháo trước tin xấu hoặc đổ xô vào khi thấy tin tốt.
3. Tự tin quá mức: Xu hướng đánh giá quá cao khả năng của bản thân khi đưa ra các quyết định tài chính. Một người tự cho mình là người thành thạo về tiền điện tử nhiều khả năng sẽ mua một đồng tiền kỹ thuật số mới mà không cần xem xét hoặc hiểu đầy đủ về các rủi ro.
4. Không muốn mất mát: Xu hướng sợ hãi quá mức về tổn thất tài chính so với lợi nhuận. Một nhà đầu tư có hành vi này có thể do dự khi bán một cổ phiếu đang xuống giá bởi vì họ sợ thua lỗ. Họ có thể khôn ngoan hơn khi bán và tái đầu tư vào một công ty có triển vọng hơn.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng mức độ khuynh hướng thấp thường đi đôi với sức khỏe tài chính. Ví dụ, những người được khảo sát có mức độ khuynh hướng hiện tại thấp có khả năng chi tiêu ít hơn thu nhập của họ gần gấp 3 lần so với các đồng nghiệp khác. Họ cũng có khả năng lập kế hoạch trước cho tương lai cao hơn gấp 7 lần.
Những người có khuynh hướng cao hơn thì có kết quả tệ hơn. Những người có mức độ bỏ qua đánh giá cơ bản cao và quá tự tin thì có tài khoản tiết kiệm và số dư thấp hơn so với đồng nghiệp. Những người có mức độ lo sợ tổn thất cao cho thấy số dư tài khoản hưu trí 401(k) thấp hơn.
‘Xây dựng một cuộc sống tiền bạc’ phù hợp với các ưu tiên của bạn
Các nhà nghiên cứu của Morningstar cho biết, cách tốt nhất để tránh những khuynh hướng xấu xảy ra là đặt các "gờ giảm tốc" để giúp bạn làm chậm lại quá trình ra quyết định tài chính. Chẳng hạn, quy tắc yêu cầu bạn đợi 3 ngày mới đưa ra các quyết định tài chính quan trọng có thể giúp đảm bảo rằng bạn không thực hiện các hành vi bốc đồng hoặc cảm tính.
Việc đặt ra các quy tắc về giao dịch mà bạn sẽ tuân theo bất kể điều kiện thị trường ra sao cũng có thể hữu ích. Những điều này bao gồm việc thường xuyên tái cân bằng danh mục đầu tư của bạn hoặc bán cổ phần sau khi chúng đã tăng một lượng nhất định.
Chuyên gia tài chính hành vi Brian Portnoy, người sáng lập của Shaping Wealth và là tác giả của cuốn "The Geometry of Wealth" cho biết, các quy tắc có thể giúp xem xét lý do đằng sau các động thái tiền bạc của bạn. Ông nói rằng những người đang cố gắng kiếm nhiều tiền nhất có thể, biến đổi thị trường và làm tốt hơn các đồng nghiệp có khả năng đang nhìn mọi thứ sai cách.
Ông nói, "Chúng tôi có gia đình để hỗ trợ, cộng đồng mà chúng tôi muốn cống hiến và niềm đam mê mà chúng tôi muốn theo đuổi. Nếu bạn xây dựng một cuộc sống tiền bạc cho phép bạn làm tất cả những điều đó, theo định nghĩa, bạn là một nhà đầu tư thành công. Đó không phải là một trò chơi có tổng bằng không".
Trước khi bạn đi sâu vào các quyết định tài chính, hãy tự hỏi mình điều gì là quan trọng đối với bạn và làm thế nào bạn có thể quản lý tiền của mình để có được chúng. Ông nói: "Đầu tư thực sự bắt đầu bằng việc đầu tư vào sự phát triển cá nhân của bạn. Nếu bạn bắt đầu với những việc phi tài chính, bạn sẽ có một tay lái hoặc bánh lái đưa bạn đi đúng hướng".
Có được định hướng này cũng sẽ giúp bạn nhận ra những tin tức và lời khuyên có thể cám dỗ bạn trong những quyết định ngắn hạn. Ông nói rằng nếu bạn đã tự hỏi mình những câu hỏi quan trọng thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi đọc một nội dung nào đó và đánh giá rằng nó tốt hay xấu đối với mình. Nếu chỉ nhìn vào ý tưởng tốt của người khác mà không biết bạn đang cố gắng đạt được điều gì, bạn có thể sẽ đi đến một kết cục tồi tệ.
Tham khảo CNBC
Ngọc Phúc